Thứ năm, 08/10/2020 18:04 GMT+7

Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên nền tảng đổi mới KH&CN

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công; có giải pháp giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận với chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025;…

Đó là các giải pháp được đưa ra tại “Hội nghị Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học, công nghệ và cải cách quy định hành chính” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam phối hợp tổ chức cùng sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) diễn ra ngày 07/10/2020 tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam; bà Cristina Fentross - Quyền Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp, ban ngành trung ương, địa phương, tổ chức đơn vị có liên quan.

Hội nghị được tổ chức nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người lao động sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc làm, góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng.
 

Toàn cảnh Hội nghị
 

KH&CN - Chìa khóa giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh dịch Covid – 19

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, sự phát triển kinh tế thế giới thời gian qua đã chứng minh KH&CN có tác động quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ). Chiến lược KH&CN quốc gia và chính sách công nghiệp tạo yếu tố tiền đề và khích lệ các DN mạnh dạn khai thác KH&CN để nâng cao sức cạnh tranh thông qua 4 yếu tố: giảm giá thành; tăng chất lượng; phát triển sản phẩm mới với tính năng sáng tạo; nâng cao khả năng đáp ứng nhanh, nhạy của DN đối với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, thị trường. Các DN có sự chủ động, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ thường tăng trưởng nhanh và có hiệu quả, nhờ đó có tính thích nghi cao với thị trường.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị

Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư, năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST), năng lực làm chủ công nghệ của Việt Nam luôn được cải thiện. Trong báo cáo Chỉ đố ĐMST toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế, là nước đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapor và Malaysia) và trong số 29 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam có chỉ ĐMST dẫn đầu. Đây là chỉ số rất quan trọng, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp SMEs – là thành phần năng động sáng tạo nhất trong các lực lượng kinh tế.

Bối cảnh đại dịch Covid – 19 càng đặt lên áp lực thay đổi phương thức làm việc và đặc biệt là ứng dụng KH&CN, công nghệ thông tin, công nghệ số, giao dịch điện tử,… để trở thành giải pháp hữu ích cho các DN.

Trong bối cảnh vừa chống dịch Covid – 19, vừa phát triển kinh tế, nhiều DN cho thấy tính chủ động, năng lực thích ứng và đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH&CN để tăng khả năng tiếp cận của khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu, sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới, điển hình như việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid – 19, sản xuất khẩu trang,…
 

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội nghị

Nhấn mạnh vai trò KH&CN trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có khoảng 70.000 DN tạm ngừng hoạt động và mất đi công ăn việc làm của 1,8 triệu người lao động. Tuy nhiên, cũng trong cùng thời gian này, có 99.000 DN được thành lập mới, chủ yếu là DN ứng dụng công nghệ và điều hành quản trị. Theo khảo sát, các DN phải tạm dừng hoạt động chủ yếu là các DN sản xuất, kinh doanh theo phương cách truyền thống và gặp nhiều khó khăn khi đối diện với  đại dịch. Ngược lại, các DN thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường và ứng dụng triệt để KH&CN thì tỉ lệ tồn tại cao. “Thực tế, nhiều DN nhìn thấy cơ hội để làm ăn có lãi và KH&CN là chìa khóa giúp Chính phủ, DN nâng cao năng suất chất lượng, cắt giảm chi phí, CCTTHC”, ông Thân nhấn mạnh.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN Việt Nam cũng khẳng định vai trò của việc ứng dụng KH,CN, ĐMST trong thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông cho rằng, doanh nghiệp đang nhìn nhận vai trò của KH&CN rất khác so với trước đây. Họ không những thấy đó là sự cần thiết mà còn là cơ hội hướng tới thành công. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến năng suất, chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thông qua việc triển khai thành công chương trình 712 về Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Quốc gia đến năm 2020 và việc cho ra đời bộ công cụ VIPA với 64 chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã có bài tham luận về tăng năng suất dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST, động lực phát triển kinh tế. Đồng thời, giới thiệu về Kế hoạch tổng thể nhằm tăng năng suất dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST.
 

Giải pháp nâng cao năng lực KHCN&ĐMST của doanh nghiệp

Bà Cristina Fentross, Quyền Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho rằng, đại dịch Covid - 19 đã gây những tác động chưa từng có tiền lệ đến đời sống của người dân và hoạt động của các DN. Tuy nhiên đại dịch Covid - 19 không làm chậm lại quá trình chuyển đổi KH&CN mà còn thúc đẩy chuyển đổi KH&CN lên tầm cao hơn. Đồng thời, trở thành chất xúc tác để chúng ta thay đổi và nhận thấy sự cần thiết phải có chuyển đổi KH&CN trong bối cảnh đại dịch Covid - 19.

Việc chuyển đổi KH&CN nói chung và chuyển đổi số nói riêng là cấu phần cốt lõi của các DN SMEs. USAID đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN SMEs nhằm hỗ trợ, khắc phục khó khăn qua đại dịch Covid - 19.

Tuy nhiên theo bà Cristina, Nhiều DS SMEs của Việt Nam chưa đủ kỹ năng để có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Do đó, các DN cần  hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc đầu tư vào KH&CN, chuyển đổi số và tìm kiếm các giải pháp thích ứng để hoạt động trong bối cảnh hiện nay. “DN cần đổi mới, cải thiện, điều này sẽ giúp DN trở nên năng động, từ đó có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn” bà Cristina Fentross chia sẻ.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp,… đã đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Theo đó, để tăng cường quản trị công cho hệ thống ĐMST, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của toàn xã hội; ban hành các đường hướng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức phát triển đầu tư khoa học kĩ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh; Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò đề xuất, điều tiết và phát triển các lĩnh vực chuyển đổi số trọng điểm.

Cùng với đó, có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho SMEs, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ liên kết, hợp tác nghiên cứu, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025,…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1605

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)