Thứ ba, 06/10/2020 16:33 GMT+7

Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Chiều ngày 01/10, tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Sóc Trăng, Vụ Phát triển KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN) phối hợp Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng tổ chức Diễn đàn Bàn giải pháp KH&CN thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đến dự có các đồng chí: Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương; Lê Yên Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng lãnh đạo các viện, trường, lãnh đạo Sở KH&CN, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, công ty du lịch của các tỉnh ĐBSCL.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Cùng tham gia phát triển loại hình du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL, Bộ KH&CN đã phê duyệt cho Trường Đại học KHXH&NV, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Đề tài cấp nhà nước “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL trong bối cảnh mới”, triển khai từ năm 2019 do PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là Chủ nhiệm đề tài.

Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, du lịch nông nghiệp được hiểu là sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp nhằm thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp với mục đích tăng thu nhập cho nông dân, tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Điểm đặc biệt của du lịch nông nghiệp chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống. Chuỗi giá trị du lịch biểu hiện trong một cuộc hành trình, trong đó du khách chuyển động giữa một loạt các dịch vụ được nối kết nhau. Các dịch vụ này có thể được cung cấp bởi nhiều nhà cung cấp riêng lẻ khác nhau. Đối với loại hình du lịch nông nghiệp, sản phẩm được bán cho du khách đó chính là kỳ nghỉ của du khách ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nơi mà du khách trải nghiệm các hoạt động của mình, để có thể tận hưởng những giá trị do hoạt động nông nghiệp, nông thôn đem lại…

Tuy nhiên, trong các cuộc Hội thảo trước đây, hầu như chưa nhắc đến vai trò của KH&CN một cách cụ thể trong việc phát triển loại hình này, chưa đặt vấn đề KH&CN phải làm gì? Vì hiện nay KH&CN không chỉ là động lực trực tiếp mà đã và đang được xác định là lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Vì thế, cần có những trao đổi cụ thể để doanh nghiệp và người dân thấy được vai trò, làm cơ sở nghiên cứu, đầu tư một cách bài bản hơn.
 

Các đại biểu các tỉnh vùng ĐBSCL chia sẻ thông tin về tình hình du lịch tại các địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các giải pháp và cách thức triển khai loại hình du lịch nông nghiệp nhằm thu hút du lịch; các vấn đề liên quan đến KH&CN nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL; thực trạng và xu hướng phát triển du lịch nông thôn và vấn đề đặt ra để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển; sự kết nối du lịch nông nghiệp giữa các tỉnh ĐBSCL; cách lựa chọn sản phẩm đặc trưng thu hút khách đến với du lịch nông nghiệp; mô hình nông trại phù hợp phát triển du lịch nông nghiệp…

Đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn, thể hiện sự chủ động kết nối và đồng hành của Bộ KH&CN, thấy rõ hơn vai trò của Hiệp hội trong việc tiếp cận, đồng thời cam kết sẽ cùng Hiệp hội du lịch các tỉnh có những nghiên cứu để làm rõ hơn tác động từ KH&CN, nhất là tạo sự kết nối chuỗi liên kết một cách khoa học hơn.

Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương Trần Văn Quang cho rằng, tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch nông nghiệp tại Vùng ĐBSCL là rất lớn. Qua diễn đàn các viện, trường, các ngành chuyên môn, các doanh nghiệp du lịch, các tỉnh, thành ĐBSCL cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm và bàn giải pháp ứng dụng KH&CN, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, cũng như tháo gỡ các khó khăn cho các địa phương trong phát triển du lịch nông nghiệp. Thông qua đó, đề xuất, kiến nghị đến với UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng, các bộ, ngành liên quan có chỉ đạo với những giải pháp và sự hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp trong thời gian tới./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 1211

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)