Thứ ba, 06/10/2020 22:49 GMT+7

Chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội hợp tác về khoa học và công nghệ với Thụy Điển

Ngày 02/10/2020 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế (VISTIP) tổ chức tọa đàm khoa học “Chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội hợp tác về khoa học và công nghệ với Thụy Điển”. Tọa đàm là cơ hội để các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác KH&CN với Thụy Điển và các giải pháp xây dựng mối quan hệ hợp tác về KH&CN giữa hai nước Việt Nam – Thụy Điển, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và trao đổi thông tin về hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Thụy Điển.

Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia, đại biểu đến từ Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường đại học… Bà Bùi Thị Huy Hợp - Phó Giám đốc VISTIP chủ trì Tọa đàm.



Bà Bùi Thị Huy Hợp- Phó Giám đốc VISTIP phát biểu khai mạc (ảnh VISTIP)

 

Là một quốc gia ở Bắc Âu với dân số khoảng hơn 10 triệu người, Thụy Điển nhiều năm liên tục nằm trong nhóm những nước có chỉ số đổi mới sáng tạo đứng đầu thế giới, số bài báo khoa học công bố hàng năm là hơn 20 nghìn bài. Cơ cấu hệ thống khoa học công nghệ và đổi mới của Thụy Điển có sự phân bổ và phối hợp hết sức chặt chẽ giữa những cơ quan quản lý ban hành chính sách với các tổ chức tư vấn -  hỗ trợ, cấp kinh phí và hệ thống các tổ chức thực thi nhiệm vụ KH&CN.



ThS Nguyễn Hồng Nhung- VISTIP chia sẻ các thông tin về KH&CN và Đổi mới sáng tạo của Thụy Điển tại tọa đàm (ảnh VISTIP)

 

KH&CN đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Thụy Điển và được chú trọng ở tất cả các bậc học. Hàng năm Thụy Điển đầu tư khoảng 3,5% GDP cho KH&CN và hơn hơn 60% GDP hàng năm của Thụy Điển được tạo ra là do KH&CN đem lại. Sự quan tâm của chính phủ, của cộng đồng, của cá nhân nhân tới giáo dục, KH&CN rất mạnh mẽ. Các chính sách giáo dục và nghiên cứu của Thụy Điển tập trung vào nâng cao chất lượng tại các trường học và đại học, hoàn toàn miễn phí. 50% dân số Thụy Điển có bằng đại học.



TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh, Viện Khoa học vật liệu- Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trình bày về KH&CN và đổi mới sáng tạo cũng như kinh nghiệm thực tiễn về hợp tác KH&CN với các đối tác Thụy Điển (ảnh VISTIP)

 

Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị tốt đẹp. Thụy Điển là nước Tây – Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (trên 3 tỉ USD- tính từ năm 1967), kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm (đạt trên 15 tỉ USD vào năm 2018), đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Về KH&CN, từ năm 1977 đến năm 2012, Chương trình “Hợp tác nghiên cứu Việt Nam – Thụy Điển”, với đơn vị đại diện phía Thụy Điển là Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế (SIDA) được thực hiện và tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực đối với KH&CN Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu chính gồm: y tế, luật pháp, môi trường và biến đổi khí hậu, cải cách kinh tế, cải cách hành chính, công nghệ thông tin – truyền thông, năng lượng điện và nông nghiệp. Tuy nhiên, sau năm 2012, do sự thay đổi về mục tiêu đầu tư của SIDA, quan hệ hợp tác về KH&CN có phần hạn chế. Hiện nay, thay vì đầu tư dưới hình thức hỗ trợ từ phía Thụy Điển, Việt Nam và Thụy Điển chuyển dần sang hợp tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Để thích ứng với điều kiện mới, hai bên – đặc biệt là các nhà khoa học, nhà quản lý từ phía Việt Nam – cần có cách tiếp cận đổi mới, tích cực để thúc đẩy hoạt động hợp tác.

Các đại biểu tham dự đã trao đổi sôi nổi, cởi mở với chuyên gia để làm rõ hơn những nội dung liên quan đến hoạt động hợp tác về KH&CN với Thụy Điển, qua đó rút ra những bài học tham khảo trong việc đề xuất chính sách hợp tác nói chung và trong các lĩnh vực được thảo luận cụ thể tại Tọa đàm.

Tọa đàm đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thông tin, trao đổi của các nhà quản lý và đặc biệt là các nhà khoa học đến tham dự. Bà Bùi Thị Huy Hợp, Phó Giám đốc VISTIP, hy vọng trong thời gian tới VISTIP cùng các đại biểu sẽ có thêm nhiều cơ hội để trao đổi thông tin, hợp tác, hỗ trợ trong hoạt động hợp tác với Thụy Điển nói riêng, cũng như thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN nói chung.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 855

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)