Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm (Ảnh: VGP/Minh Khôi)
Đến dự Lễ kỷ niệm có Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội; Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện một số Bộ ngành như Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên Môi trường và hàng trăm sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội,…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thực hiện chủ trương đúng đắn nêu trên, trong suốt 20 năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng, hoàn thiện mô hình đào tạo, nghiên cứu với quy mô và chất lượng ngày một tốt hơn.
Đến nay, bộ máy tổ chức và cán bộ với nhiều khoa độc lập và các trường đại học, viện nghiên cứu, đơn vị trực thuộc đã được điều chỉnh, sắp xếp, củng cố và phát triển thành một thực thể hữu cơ, có quy mô hợp lý, hoạt động có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, nòng cốt là lực lượng cán bộ giảng dạy, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đã phát triển nhanh cả về số lượng cũng như về trình độ, năng lực. Số sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh nhập học và ra trường hằng năm đều thuộc diện lớn nhất cả nước.
Hiện nay, ĐHQGHN là một thực thể gắn kết hữu cơ với 28 đơn vị đầu mối, tổ hợp của 6 trường đại học, 3 viện nghiên cứu thành viên và các đơn vị trực thuộc; bao gồm tương đối đầy đủ các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật, giáo dục, ngoại ngữ và y dược với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đông đảo và mạnh về chất lượng. Tỷ lệ cán bộ có học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 45%, tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư đạt 18,5% phân bố khá đều trên tất cả các lĩnh vực.
Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cho đến nay ĐHQGHN đã có hàng trăm sản phẩm khoa học và công nghệ được triển khai ứng dụng trong thực tế. Số bài báo quốc tế trong hệ thống ISI của ĐHQGHN đã tăng lên khoảng 20 lần, chiếm khoảng 12% tổng số bài báo ISI của cả nước.
Đặc biệt, các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn và kinh tế của ĐHQGHN đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các định hướng chiến lược, chính sách, chủ trương, kế hoạch, quy hoạch phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương. Nhiều công trình khoa học công nghệ được tặng những giải thưởng lớn, trong đó có 19 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 18 Giải thưởng Nhà nước và hàng chục giải thưởng khoa học có uy tín trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư cũng cho rằng, ĐHQGHN cũng còn những hạn chế, bất cập. Nhất là, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học chưa thật cao, chưa đạt được trình độ tiên tiến của thế giới, khu vực. Số cán bộ khoa học đầu ngành chưa nhiều, số lượng cán bộ có trình độ cao chưa đáp ứng yêu cầu của đại học nghiên cứu tiên tiến. Hoạt động khoa học và công nghệ giữa các nhóm ngành, các đơn vị chưa đồng đều. Năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa đáp ứng yêu cầu của phương thức quản trị đại học tiên tiến; vẫn còn một bộ phận cán bộ, viên chức, sinh viên có tâm lý ngại đổi mới, thiếu ý chí vươn lên mạnh mẽ. Cơ sở vật chất, hệ thống thông tin, truyền thông chưa được đầu tư và phát huy tốt để đáp ứng yêu cầu của đổi mới và phương thức quản trị hiện đại...
Tổng Bí thư cũng đề nghị, nhân dịp kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN cần tổng kết, rút ra những bài học thành công và chưa thành công; đánh giá đúng thế mạnh và những tồn tại, hạn chế của mình; bồi đắp niềm tin, sự đồng lòng nhất trí và quyết tâm phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới.
Một trong 5 vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần Đại học Quốc gia đặc biệt lưu ý là về công tác nghiên cứu: cần nhận thức và phát huy đầy đủ vai trò của ĐHQGHN như là một cái nôi của nghiên cứu khoa học cơ bản, nơi sản xuất "máy cái", đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ khoa học cơ bản cho toàn bộ hệ thống giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ quốc gia, có đặc thù riêng, cần có cơ chế, chính sách riêng, phù hợp.
Kỷ niệm 20 năm ĐHQGHN là một dịp tốt để nhìn lại chặng đường đã qua, đồng thời khẳng định ước vọng và quyết tâm xây dựng, phát triển ĐHQGHN lên một tầm cao mới, góp phần đưa đất nước phát triển và hội nhập thành công, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.