Tham dự buổi Hội thảo có sự góp mặt của đại diện rất nhiều cơ quan, ban ngành liên quan tới dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận nói riêng và ngành năng lượng nguyên tử nói chung như Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, Cục An toàn bức xạ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Cơ học, Tổng cục năng lượng, Viện Năng lượng,…Về phía công ty Westinghouse có sự góp mặt của hai Phó Chủ tịch là ông Gary Urquhart và ông Rick Easterling; Kỹ sư Julie Gorgemans, ông Mike Waite và ông Lương Bá Hùng; ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ là ông Andrew T.Shepard.
Qua phần trình bày của các chuyên gia Westinghouse, các thông tin cơ bản cũng như khía cạnh kỹ thuật chi tiết của thiết kế lò AP-1000 đã được giải thích rất kỹ lưỡng. AP-1000 là lò phản ứng thế hệ thứ III+ được thiết kế bởi Westinghouse và đang là một trong những phương án công nghệ đang được đưa vào xem xét áp dụng đối với dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Thiết kế AP-1000 được đặc trưng bởi hệ thống an toàn thụ động ứng phó với các sự cố có thể xảy ra, cho phép nhà vận hành có thể không cần can thiệp trong một khoảng thời gian mà lò phản ứng vẫn giữ được trạng thái an toàn. Thiết kế này đã nhận được chứng chỉ cấp phép của nhiều cơ quan pháp quy trên thế giới, đặc biệt là US-NRC- cơ quan pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ. Hiện tại đã có 8 tổ máy đang được tiến hành thi công tại Mỹ và Trung Quốc tại 4 nhà máy điện hạt nhân khác nhau là Vogtle, V.C. Summer, Haiyang và Sanmen, dự kiến tổ máy tại Sanmen có thể hoàn thành thi công vào năm 2015.
Tuy trong thiết kế có sự hiện diện của nhiều hệ thống an toàn thụ động nhưng AP-1000 vẫn là một lò phản ứng có sự tích hợp các hệ thống an toàn phụ trợ chủ động nhằm gia tăng sự đa dạng và chiều sâu bảo vệ đối với hệ thống lò. Các hệ thống chủ động sẽ được kích hoạt tự động trong trường hợp có sự cố xảy ra và luôn được ưu tiên vận hành để trở thành lớp bảo vệ an toàn đầu tiên, và lớp bảo vệ tiếp theo là các hệ thống thụ động. Mọi hệ thống an toàn trong thiết kế AP-1000 mang lại các lớp bảo vệ an toàn chiều sâu và hoạt động nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp ngay cả trong các điều kiện dập lò. Các hệ thống an toàn thụ động trong thiết kế AP-1000 như hệ thống tản nhiệt dư thụ động (Passive residual heat removal system), hệ thống trao đổi nhiệt trong nhà lò, hệ thống giữ nhiên vật liệu nóng chảy trong đáy thùng lò (In vessel retention),…. đều áp dụng các nguyên lý được tự nhiên như tuần hoàn đối lưu tự nhiên, khởi phát dòng chảy nhờ trọng lực,…. Các hệ thống áp dụng những nguyên lý này đều được chế tạo từ những cấu kiện và thiết bị đã được kiểm chứng và sản xuất dựa trên nhiều năm kinh nghiệm xây dựng lò nước áp lực của công ty Westinghouse. Ngoài ra, để minh chứng cho các hệ thống này, Westinghouse đã xây dựng rất nhiều những thí nghiệm và thực hiện các mô phỏng tính toán đối với các hệ thống này và có được sự tin cậy đáng chú ý trong các kết quả.
Ngoài phần trình bày các khía cạnh kỹ thuật, các chuyên gia của công ty Westinghouse cũng đưa ra phần trả lời với các câu hỏi và thắc mắc về mặt kỹ thuật của các chuyên gia đối với thiết kế lò AP-1000. Trong những câu hỏi, đáng chú ý có thể nói tới vấn đề về tỷ lệ ngưng tụ hơi (Condensate return rate) đối với hệ thống an toàn thụ động bên trong nhà lò (containment vessel) và khả năng tự hành trong điều kiện mất điện lưới (Station Black Out) trong vận hành bình thường và ngay cả trong thời điểm thay đảo nhiên liệu (Refueling process).
Tuy vẫn còn nhiều chi tiết kỹ thuật và thắc mắc nhưng buổi Hội thảo này đã cho phép các chuyên gia Việt Nam có cái nhìn sâu sắc hơn về thiết kế lò phản ứng hạt nhân AP-1000. Buổi Hội thảo về các khía cạnh kỹ thuật của thiết kế AP-1000 đã kết thúc thành công với sự nhiệt tình trao đổi cũng như giải đáp của cả phía các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia Westinghouse.