Thứ bảy, 25/07/2015 08:10 GMT+7

Tọa đàm "Những vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu - triển khai tại Viện Nghiên cứu hạt nhân phục vụ chương trình điện hạt nhân Việt Nam”

Ngày 17/7/2015, tại thành phố Đà Lạt, Tạp chí Tia sáng phối hợp với Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Những vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu - triển khai tại Viện Nghiên cứu...
Tham dự buổi Tọa đàm có gần 50 đại biểu đến từ Tạp chí Tia sáng, các đơn vị trực thuộc Viện NLNT Việt Nam, Trường Đại học Đà Lạt, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam và các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Sài Gòn Giải phóng, Thanh niên, Tuổi trẻ, ... thường trú tại Đà Lạt cũng có mặt để theo dõi và đưa tin.



Ông Phạm Trần Lê, Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Tia sáng và ông Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Mục tiêu của buổi Tọa đàm là nhằm xác định rõ thêm nội hàm của hoạt động hỗ trợ kỹ thuật (HTKT), nghiên cứu - triển khai (NC-TK); tầm quan trọng của việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong những lĩnh vực năng lượng nguyên tử để phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân (ĐHN) và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam; từ đó đề xuất phương hướng và các giải pháp đổi mới trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở Viện NCHN Đà Lạt nói riêng và Viện NLNT Việt Nam nói chung trong bối cảnh thực hiện dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân trong thời gian tới.

Sau Báo cáo đề dẫn của ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam, các đại biểu đã được nghe tham luận và trao đổi về các chủ đề: i) Các hoạt động nghiên cứu - triển khai và đào tạo của Viện NCHN để đóng góp vào phát triển nguồn nhân lực cho ngành NLNT và phục vụ chương trình ĐHN Việt Nam; ii) Những bất cập trong đào tạo nhân lực cho ĐHN hiện nay; và iii) Một số giải pháp cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.



Trong những năm qua, với đặc thù của một Viện NC-TK với lò phản ứng hạt nhân duy nhất hiện nay ở nước ta, cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm chuyên đề về KH&CN hạt nhân đã được đầu tư tương đối đồng bộ, có đội ngũ cán bộ chuyên ngành được tích lũy kinh nghiệm sau hơn 31 năm vận hành và khai thác Lò phản ứng, Viện NCHN đã và đang tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ và đào tạo nhân lực phục vụ Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình. Trong lĩnh vực đào tạo, có nhiều hình thức khác nhau được thực hiện như: mở các lớp huấn luyện chuyên đề về An toàn bức xạ, An toàn hạt nhân, Công nghệ lò phản ứng, Các phương pháp kiểm tra không hủy thể, Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực công-nông nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường, …; Hợp tác với các trường đại học trong nước để hướng dẫn sinh viên đến thực tập chuyên đề về Vật lý hạt nhân, Vật lý lò phản ứng, Điện tử hạt nhân…; Tổ chức tham quan, kiến tập cho nhiều đoàn cán bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ... Tuy vậy, vai trò của Viện NCHN nói riêng và Viện NLNT Việt Nam nói chung trong việc tham gia thực hiện Đề án 1558 về “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” vẫn chưa được xác định cụ thể và rõ ràng. Để có đóng góp tốt hơn cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lực lượng cán bộ KH&CN của Viện cần được huy động nhiều hơn, sao cho các cán bộ có kinh nghiệm có điều kiện tham gia một cách có hiệu quả hơn vào hoạt động đào tạo, gắn kết hơn nữa hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong khuôn khổ các nhóm nghiên cứu ưu tiên có định hướng tương đối dài hơi với hệ thống đề tài tập trung vào các lĩnh vực quan trọng phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân như An toàn điện hạt nhân, Thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Kiểm tra & đảm bảo chất lượng trong thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Vận hành & bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân, An toàn và kinh tế trong việc sử dụng nhiên liệu và chu trình nhiên liệu, … để trước mắt phục vụ tốt cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời xây dựng tiềm lực tham gia từng bước nội địa hóa tri thức công nghệ điện hạt nhân.

Các ý kiến ghi nhận được tại buổi Tọa đàm lần này là những đóng góp thiết thực vào việc củng cố, xây dựng và phát huy tiềm lực của một chủ thể quan trọng - Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật, cùng với các chủ thể liên quan là Cơ quan vận hành - EVN và Cơ quan pháp quy về an toàn hạt nhân, đảm bảo thành công cho chương trình phát triển điện hạt nhân của nước ta, trước mắt cũng như lâu dài./.

Lượt xem: 894

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)