Triển lãm là hoạt động bên lề của Lễ Công bố Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 có nội dung chính là giới thiệu những hình ảnh về kết quả hoạt động KH&CN tiêu biểu của các tổ chức, cá nhân trong cả nước theo dòng lịch sử từ thập niên 50 đến nay. Các kết quả KH&CN nổi bật chia theo các giai đoạn sau:
Phần I: Những bước đi lịch sử, bao gồm các giai đoạn 1950-1959, 1959-1975, 1975- 1985
Phần 2: Khoa học và Công nghệ thời kỳ đổi mới, bao gồm các giai đoạn 1986-1995, 1995-2005, 2005-2014 với các nội dung chính được trưng bày như sau:
1.Hình ảnh về các văn bản pháp lý quan trọng thời kỳ này
2.Hình ảnh các hoạt động KH&CN
- Kết quả hoạt động trong một số lĩnh vực chính:
• Khoa học xã hội và nhân văn
• Khoa học tự nhiên
• Khoa học y - dược
• Khoa học nông nghiệp
• Khoa học công nghệ
- Thông tin về tình hình công bố các công trình nghiên cứu khoa học
- Thông tin về tình hình đăng ký sáng chế: Đơn sáng chế và giải pháp hữu ích chia theo các lĩnh vực
- Giới thiệu kết quả của các chương trình KH&CN quốc gia, trọng điểm cấp Nhà nước trong những năm qua (bao gồm các Chương trình KC và KX); các chương trình quốc gia khác của Bộ, ngành và kết quả của các Nghị định thư với các nước.
Từ 1000 kết quả tiêu biểu của các tổ chức và cá nhân hoạt động KH&CN trong cả nước qua các thời kỳ lịch sử từ năm 1950 đến nay, các đơn vị quản lý theo ngành, lĩnh vực của Bộ KH&CN đã lựa chọn được gần 500 hoạt động KH&CN tiêu biểu là các kết quả KH&CN đã được giải Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN, các giải thưởng về KH&CN khác, các hoạt động KH&CN có tác động lớn đến quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đến phát triển kinh tế - xã hội...
Các kết quả hoạt động KH&CN Việt Nam tiêu biểu của từng thời kỳ lịch sử được trưng bày trên diện tích 450m2 tại tiền sảnh Tầng 1, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Từ những kết quả KH&CN của thập kỷ 50, 60,70 đến thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh (1975-1985), thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, ngay trong Triển lãm trưng bày hình ảnh hoạt động KH&CN tiêu biểu đã diễn ra sự kiện “Trình diễn nghệ thuật trực tuyến trên mạng VinaREN/TEIN4” do Cục Thông tin KH&CN quốc gia cùng các đối tác Malaysia, Hàn Quốc trực thuộc Mạng tiên tiến châu Á - Thái Bình Dương (APAN) và Mạng Thông tin Á - Âu (TEIN) phối hợp tổ chức.
Trình diễn nghệ thuật trực tuyến trên mạng là một trong những hoạt động nổi bật của nhóm công tác e-Culture APAN kể từ năm 2011 cho tới nay, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật giữa các nước thành viên và nối liền khoảng cách giữa lĩnh vực khoa học và nhân văn thông qua nhịp cầu “công nghệ”.
Để đạt mục tiêu này, trong buổi trình diễn nghệ thuật trên mạng, các đơn vị tham gia đã sử dụng các công cụ phần cứng, phần mềm liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông để kết hợp giữa phần biểu diễn trực tiếp của các nghệ sĩ từ 03 nước: Malaysia, Việt Nam và Hàn Quốc, với các hiệu ứng công nghệ cao nhằm tạo nên một tiết mục hợp nhất hiển thị trên màn hình tại các điểm trình chiếu và được truyền trực tiếp trên mạng tới mọi người xem tại các mạng nghiên cứu đào tạo trên thế giới thông qua Mạng nghiên cứu đào tạo Việt Nam (VinaREN) được kết nối với Mạng thông tin liên lục địa Á - Âu (TEIN4) và các mạng quốc tế khác như Mạng tiên tiến châu Á Thái Bình Dương (APAN), Internet2, GEANT, Transpac 2, RED clara, v.v...
Nội dung chính của e-Culture như sau:
Phần 1: gồm 3 tiết mục biểu diễn do các nghệ sĩ Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc lần lượt biểu diễn tiết mục riêng của nước mình tại các đầu cầu Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc .
Phần 2: các nghệ sĩ Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc đã cùng nhau trình diễn một tiết mục chung. Theo đó, các nghệ sĩ Việt Nam sẽ chơi bản nhạc “Khát vọng mùa xuân” của nhà soạn nhạc Mozart, các nghệ sĩ Malaysia và Hàn Quốc sẽ múa dựa trên nền nhạc do Việt Nam đánh đàn.
Điểm đặc biệt của tiết mục này là ở chỗ ban tổ chức sẽ kết hợp phần trình diễn của các nghệ sĩ múa của các nước với hình ảnh 3D dạng vector của chuyển động kết hợp với các hiệu ứng trình chiếu trên phần màn hình lớn phía trên, trong khi các hình ảnh nguyên gốc nhận được từ mỗi nước sẽ được hiển thị trên 3 phần màn hình nhỏ ở phía dưới.
Chương trình này lần đầu tiên được thực hiện triển khai tại Việt Nam do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia thuộc Bộ KH&CN phối hợp với Liên minh châu Âu, TEIN*CC, VTN; các mạng nghiên cứu và đào tạo APAN (Malaysia và Hàn Quốc). Hy vọng công nghệ này sẽ được áp dụng rộng rãi và lan tỏa ở mọi lĩnh vực trong thời gian tới.
Triển lãm là một hoạt động tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH&CN tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đồng thời, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò to lớn của KH&CN, góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước.