Thứ sáu, 27/12/2019 20:39 GMT+7

Hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện Đề án khung quỹ gen cấp Bộ, cấp Tỉnh (2013-2019) và chia sẻ nguồn gen

Sáng ngày 26/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Đề án khung quỹ gen cấp Bộ, cấp Tỉnh (2013-2019) và chia sẻ nguồn gen.

Đến dự và đồng chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Phó trưởng ban thường trực Ban Điều hành nhiệm vụ quỹ gen, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, Phó trưởng ban Ban Điều hành nhiệm vụ quỹ gen.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh chủ trì Hội thảo.
 

Tham dự Hội thảo còn có 300 đại biểu: đại diện Lãnh đạo của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NN&PTNT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các chủ nhiệm nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia từ 2010-2020; đại diện các cơ quan chủ trì nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia từ 2010-2020; các nhà khoa học; các nhà quản lý của các Bộ: KH&CN, Công thương, NN&PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Công An, Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ TN&MT…, Ban Điều hành nhiệm vụ quỹ gen.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Việt Nam có khoảng 1.400 loài thực vật bậc cao; bò sát có 296 loài, thú 322 loài, 887 loài chim; 357 loài bò sát, 176 loài ếch nhái, hàng vạn loài côn trùng và các loài động vật không xương sống khác, vi tảo ở vùng nước ngọt được xác định là 1.438 loài chiếm 9,6% so với thế giới (số loài có trên thế giới là 15.000); 21.393 các chủng vi sinh vật đã được bảo tồn...và đứng thứ 16 thế giới về đa dạng sinh học. Nếu chúng ta tổ chức tốt công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu này để khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống...thì sẽ tạo nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm: “Nguồn gen là tài sản quốc gia, là vật liệu di truyền cho chọn tạo giống sinh vật, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh... Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen được thực hiện trên cơ sở mạng lưới quỹ gen thống nhất toàn quốc”.

Hội thảo cần tập trung thảo luận để rút ra bài học kinh nghiệm về công tác bảo tồn, khai thác, chia sẻ nguồn gen và đã đến lúc chúng ta phải sử dụng nguồn gen - nguồn tài sản quốc gia để phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời Hội thảo cũng tập trung thảo luận những nội dung chính để xây dựng Đề án khung quỹ gen cấp Bộ, cấp Tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 và đề xuất các giải pháp thực hiện một cách hiệu quả.
 

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Hội thảo đã nghe 9 báo cáo của: Bộ KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên, Sở KH&CN thành phố Cần Thơ, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, Bộ NN&PTNT, Trung tâm Tài nguyên thực vật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 9 ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các bài báo cáo và ý kiến phát biểu thảo luận đều đánh giá cao việc kết quả triển khai Đề án khung quỹ gen cấp Bộ, Cấp tỉnh và đề nghị cần phải triển khai quy  mô rộng và đồng bộ hơn. Đề nghị Bộ KH&CN xem xét để xây dựng ngân hàng gen quốc gia, phê duyệt những nhiệm vụ thu thập nguồn gen ở những vùng trọng điểm như vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và những vùng có nguy cơ cao bị sói mòn nguồn gen do biến đổi khí hậu, do xây dựng các công trình quốc kế, dân sinh.

Thay mặt chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Phó trưởng ban Ban Điều hành nhiệm vụ quỹ gen đã kết luận Hội thảo: Hội thảo diễn ra đúng thời điểm, góp phần thức tỉnh các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, người dân có những hành động thiết thực hơn nữa để bảo tồn nguồn gen bới nguồn gen phong phú của chúng ta đã, đang và sẽ suy thoái do nhiều yếu tố khác nhau. Các tỉnh, các địa phương đã dịch chuyển từ hoạt động bảo tồn sang khai thác và phát triển nguồn gen, theo phương châm “bảo tồn để khai thác và khai thác để phục vụ bảo tồn bền vững nguồn gen”. Cả nước đã có 343 nguồn gen được khai thác và phát triển phục vụ sản xuất, nhiều nguồn gen đã được sản xuất ở qui mô hàng hóa, có nguồn gen trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP). Hoạt động chia sẻ nguồn gen, giai đoạn trước gần như chưa thực hiện được, trong thời gian qua đã có 3.179 nguồn gen được chia sẻ phục vụ nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất. Đây là kết quả thật đáng mừng, tuy nhiên, việc chia sẻ nguồn gen phục vụ sản xuất còn ít, điều này gợi mở xem xét đề xuất xây dựng cơ chế thúc đẩy chia sẻ để nguồn gen quý được đưa vào ứng dụng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Các bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát huy kết quả triển khai đã đạt được Đề án khung quỹ gen giai đoạn 2013-2019, tiếp tục xây dựng Đề án khung cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, cần tập trung khâu phục tráng các nguồn gen đã được bảo tồn, tiến hành khai thác và phát triển nguồn gen dựa theo các mục tiêu đã được phê duyệt tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2015, định hướng đến năm 2030.

 

Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật

Lượt xem: 2680

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)