Thứ sáu, 27/12/2019 15:10 GMT+7

Viện Ứng dụng Công nghệ tổ chức Bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS theo học tại Viện

Sáng ngày 26/12/2019 Viện Ứng dụng Công nghệ đã tổ chức Bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Viện cho NCS Vũ Trung Kiên - giảng viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đang theo học tại Viện. Tới tham dự buổi Bảo vệ Luận án có GS. TS. Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ, Giáo viên hướng dẫn NCS Vũ Trung Kiên, ông Giang Mạnh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ, bà Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Ban Kế hoạch – Tài chính, ông Cung Hồng Kiên, Chánh Văn phòng Viện Ứng dụng Công nghệ, TS. Dư Đình Viên, Giám đốc Trung tâm Đào tạo sau Đại học – Trường Đại học Công nghệp Hà Nội, các nhà khoa học trong và ngoài Viện, các đồng nghiệp của NCS Vũ Trung Kiên.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do GS.TS. Nguyễn Bình, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông làm Chủ tịch Hội đồng cùng các nhà khoa học: PGS.TS. Thái Quang Vinh, Viện Hàn lâm KH&CN VN, Phản biện 1; PGS.TS. Hà Hải Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Phản biện 2; PGS.TS. Hoàng Văn Phúc, Phản biện 3; TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Ứng dụng Công nghệ, Ủy viên thư ký; PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, trường ĐH Giao thông Vận tải, Ủy viên; PGS. TS. Phạm Thanh Giang, Viện Hàn lâm KH&CN VN,  Ủy viên.

Tại buổi Bảo vệ Luận án, Hội đồng đã được nghe NCS trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu của Luận án. Đề tài luận án của NCS Vũ Trung Kiên có 05 bài báo khoa học được công bố. Trong đó có 01 bài tại hội nghị khoa học quốc tế, 02 bài báo được công bố trên các tạp chí KHCN trong nước có uy tín, 02 bài báo được công bố trên các tạp chí KHCN quốc tế được hội đồng chức danh giáo sư ngành công nhận tính điểm. Các bài báo này đều nằm trong phạm vi nghiên cứu của luận án và phản ánh đúng các kết quả đã nêu trong luận án.

Trên cơ sở nghiên cứu về các kỹ thuật định vị trong nhà dựa trên dấu vân tay RSSI sử dụng tín hiệu Wi-fi trong mạng WLAN, luận án “Nghiên cứu, phát triển kỹ thuật định vị trong nhà sử dụng tín hiệu Wi-Fi” của NCS Vũ Trung Kiên đã đưa ra một số đóng góp mới: Đề xuất 03 thuật toán ước lượng các tham số của GMM tương ứng với các trường hợp: một phần dữ liệu không quan sát được do censoring, một phần dữ liệu không quan sát được do dropping và một phần dữ liệu không quan sát được do cả censoring và dropping; Đề xuất thuật toán ước lượng số thành phần Gauss trong GMM khi một phần dữ liệu không quan sát được do censoring và dropping; Đề xuất thuật toán định vị trong trường hợp Wi-fi RSSI do OB thu thập trong giai đoạn định vị trực tuyến cũng chịu ảnh hưởng bởi censoring và dropping. Triển khai thực nghiệm trên một khu vực trong toàn nhà có diện tích 360m2.
 

NCS Vũ Trung Kiên trình bày nội dung Luận án.
 

Luận án đã nhận được 17 nhận xét từ 06 đơn vị và 11 nhà khoa học. Các nhận xét đều đánh giá cao về ý nghĩa khoa học, thực tiễn của luận án; tính hợp lý, hiện đại, độ tin cậy của phương pháp nghiên cứu mà tác giả luận án đã sử dụng; các kết quả chính đạt được, những đóng góp mới của luận án. Tất cả các ý kiến nhận xét của các cơ quan và các nhà khoa học đều thống nhất kết luận “Luận án của NCS Vũ Trung Kiên là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có kết quả tin cậy; có đóng góp mới cho lĩnh vực khoa học chuyên ngành”.

Hội đồng đánh giá cao về chất lượng chuyên môn của Luận án, đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và hình thức của một Luận án tiến sĩ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thống nhất đề nghị Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kỹ thuật, chuyên ngành Kỹ thuật điện tử cho NCS Vũ Trung Kiên.
 

NCS Vũ Trung Kiên chụp ảnh kỷ niệm cùng Hội đồng.

Nguồn: Viện Ứng dụng Công nghệ

Lượt xem: 2106

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)