Thứ hai, 16/12/2019 18:09 GMT+7

Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm ở vùng Tây Bắc

Vùng Tây bắc với điều kiện tự nhiên phù hợp nhiều cây dược liệu quý đã được biết đến như: Ô đầu, đương quy, hà thủ ô đỏ, ba kích, phòng phong, cốt toái bổ... Ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế được rất nhiều các nhà khoa học quan tâm.


Tiêu bản cây Ô đầu

 

Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc các vùng nhiệt đới - nơi chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao chưa được khám phá. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc ở nước ta cũng có vốn tri thức bản địa sử dụng các loài động vật, thực vật và khoáng vật làm thuốc. Hai lĩnh vực này được các nhà khoa học coi là một tiềm năng, trong việc tìm kiếm nghiên cứu tạo ra những loại thuốc mới, có hiệu lực điều trị cao trong tương lai.

Mặc dù có nhiều lợi thế về phát triển cây dược liệu, nhưng Vùng Tây Bắc chưa khai thác mạnh mẽ thế mạnh này để phục vụ cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế của tỉnh, các loại cây dược liệu được trồng nhỏ lẻ manh mún, chưa quy hoạch phân vùng cụ thể để phát triển mạnh mẽ, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chủ yếu là kinh nghiệm truyền thống chưa theo các quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Bộ y tế. Quá trình tiêu thụ chủ yếu phơi khô và bán cho các người thu gom nhỏ, giá trị thấp, giá cả bấp bênh, cạnh tranh mua bán, ép giá, ép cấp, chất lượng không có kiểm soát... dẫn đến uy tín các sản phẩm ngày càng mất dần trên thị trường.

Nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cây dược liệu nuôi trồng đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát mất cân đối. Sự giảm sút nguồn dược liệu có nhiều nguyên nhân, có thể chủ quan lẫn khách quan như cháy rừng, sự khai thác tràn lan, trình độ nhận thức con người còn hạn chế nhất là tại vùng miền núi nơi có nhiều tài nguyên sinh vật... Hơn nữa trước yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội đời sống chúng ta đang phải đối mặt mâu thuẫn giữa cung và cầu, bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này.

Vì vậy cần có nghiên cứu thực hiện tạo ra sự liên kết từ khâu trồng dược liệu, bảo tồn, phát triển dược liệu tạo nguồn nguyên liệu chất lượng, tiếp đến là tạo ra các sản phẩm trung gian như dược liệu sạch, cao dược liệu... và tạo ra sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm được lưu thông phân phối trên thị trường sử dụng trong y dược học cổ truyền và y dược học hiện đại. Đây chính là cơ sở quan trọng cho sự phát triển một cách bền vững dược liệu tại Việt Nam. Cơ quan chủ trì đề tài Khoa Y Dược, ĐHQGHN đã phối hợp với Chủ trì đề tài PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm ở vùng Tây Bắc”.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1. Về nghiên cứu phát triển nguồn cung cấp dược liệu chuẩn (theo hướng GACP) cho một số dược liệu đặc hữu vùng Tây Bắc (Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm), đề tài đã:

+ Xác định được các điều kiện vùng trồng phù hợp với từng cây dược liệu trên.

+ Xây dựng được bộ quy trình hướng dẫn trồng trọt thu hái chế biến theo hướng GACP cho 4 cây dược liệu.

+ Xây dựng được quy trình chế biến 4 dược liệu và tiêu chuẩn hóa 4 dược liệu này.

2. Về nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho việc sử dụng dược liệu Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm, đề tài đã:

- Chiết xuất phân lập được các hợp chất chính trong mỗi cây dược liệu:

+ Từ củ cây Ô đầu: phân lập được 10 hợp chất, gồm 4 hợp chất lần đầu tiên phân lập từ chi Aconitum là: acid 9-clorooctadecanoic, acid 3-cloroicosanoic, acid 8- clorohexadecanoic, 3-hydroxypropane-1,2-diyl dihenicosanoat; alcaloid lần đầu phân lập từ loài A. carmichaeli là: delcosin; 4 alcaloid khác là fuzilin, karacolin, benzoylmesaconitin, hokbusin A và một hợp chất nhóm sterol là daucosterol.

+ Từ hạt cây Ý dĩ: phân lập được 7 hợp chất là: triolein, β-sitosterol-3-O-6-oleoyl- β-ᴅ-glucopyranosid, 1-monolinolein, friedelan-3-one, 12α-Hydroxyevodol β-sitosterol, daucosterol.

+ Từ rễ cây Đan sâm: phân lập được 8 hợp chất là: acid 2β-hydroxypomolic, acid maslinic, acid asiatic, acid ursolic, dihydrotanshinone I, methyldihydrotanshinoate, trijuganone B và cryptotanshinone

+ Từ củ cây Tam thất: chất ginsenosid Re, ginsenosid Rg1, ginsenosid Rc, ginsenosid Rd, ginsenosid Rb1.

+ Đánh giá được độc tính cấp và tác dụng sinh học của các phân đoạn chiết từ dược liệu:

Cây Ô đầu: đã đánh giá độc tính cấp và tác dụng giảm đau, tác dụng tăng cường miễn dịch của các phân đoạn dịch chiết từ củ cây Ô đầu. Kết quả cho thấy các phân đoạn này có độc tính và có tác dụng giảm đau, tác dụng tăng cường miễn dịch. Cây Ý dĩ: đã đánh giá độc tính cấp và tác dụng ức chế enzym tyrosinase, tác dụng gây độc tế bào ung thư. Kết quả cho thấy các phân đoạn này tương đối an toàn và có tác dụng ức chế enzym tyrosinase, tác dụng gây độc tế bào ung thư Cây Đan sâm: đã đánh giá độc tính cấp và tác dụng chống huyết khối, gây độc tế bào ung thư, tăng tuần hoàn của các phân đoạn dịch chiết từ rễ Đan sâm. Kết quả cho thấy các phân đoạn này tương đối an toàn và có tác dụng chống huyết khối, tăng tuầng hoàn và gây độc tế bào ung thư Cây Tam thất: đã đánh giá độc tính cấp và tác dụng chống huyết khối, gây độc tế bào ung thư, tăng tuần hoàn của các phân đoạn dịch chiết từ củ Tam thất. Kết quả cho thấy các phân đoạn này tương đối an toàn và có tác dụng chống huyết khối, tăng tuầng hoàn và gây độc tế bào ung thư.

3. Về nghiên cứu phát triển phương thức sử dụng dược liệu Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm làm thuốc, đề tài đã:

+ Xây dựng được quy trình bào chế và tiêu chuẩn của các vị thuốc, cao dược liệu, từ 4 cây thuốc trên

+ Bào chế và đăng ký sản phẩm thành phẩm: Thuốc tiêm từ Tam thất, Viên hoàn giọt Đan sâm-Tam thất, cốm bổ tỳ+Calci, BOTIMAX, Tam thất tây bắc, Nước uống Camplus

4. Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển bền vững dược liệu Ô đầu, Ý dĩ, Tam thất, Đan sâm, đề tài đã xây dựng được mô hình kết hợp các cơ quan, lĩnh vực khác nhau trong quá trình trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm, sản xuất kinh doanh sản phẩm, tái đầu tư phát triển vùng trồng cây dược liệu nhằm bảo đảm phát triển các cây dược liệu một cách bền vững.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14131/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3422

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)