Thứ hai, 16/12/2019 15:28 GMT+7

Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành tài nguyên và môi trường

Sáng 12/12/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Hội thảo nhằm quán triệt thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền Thông, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các Sở Tài nguyên và Môi trường; các tập đoàn, hãng công nghệ trong và ngoài nước và các chuyên gia, đại biểu các đơn vị, tổ chức liên quan.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo đã khẳng định “Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thức được rằng, các hoạt động quản lý nhà nước; điều tra cơ bản; xử lý, phân tích, dự báo chuyên ngành về tài nguyên và môi trường buộc phải có các thông tin, dữ liệu dạng số, trong đó nhiều dữ liệu theo thời gian thực; đồng thời, kết quả hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường còn cung cấp dữ liệu đầu vào cho mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tài nguyên tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường.”

Để nắm bắt được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng cần phải đánh giá được tác động, nhận diện rủi ro, cơ hội và thách thức đối với toàn ngành tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở đó, xây dựng được Kế hoạch hành động của Bộ trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cần xác định được mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp và hoạch định lộ trình cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường để từng bước tận dụng được cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại mà Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương đã có bài trình bày chia sẻ những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết số 52-NQ/TW và các vấn đề đặt ra với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Nguyễn Đức Hiền cho rằng, việc xây dựng được một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện về tài nguyên và môi trường và cơ chế để các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, tiếp cận, sử dụng và tham gia đóng góp một cách rộng rãi trên cơ sở công nghệ, khả năng kết nối, phân tích, xử lý, chia sẻ của CMCN 4.0 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Trình bày tại Hội thảo về Dự thảo Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết từ năm 2017 Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 về việc tăng cường nâng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các giải pháp, nhiệm vụ  để các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.  Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang được Chính phủ giao làm đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ông Trần Anh Tú cho biết mục đích và yêu cầu xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ là nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/1019, đồng thời xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 52-NQ/TW. Ông Trần Anh Tú chia sẻ, Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ gồm 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính bám sát 08 chủ trương, chính sách lớn của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52-NQ/TW. Trong mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đang xác định rõ nội dung, giải pháp cụ thể để giao cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện. Hơn nữa, Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ còn kèm theo Phụ lục các nhiệm vụ, đề án cụ thể của các bộ, ngành, địa phương.   

Tại Hội thảo này, các đại biểu còn được đại diện các đơn vị trình bày các tham luận: Chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nhiệm vụ và giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và ứng dụng giải quyết các bài toán của ngành tài nguyên và môi trường; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bài toán giám sát, dự báo, cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ngành tài nguyên và môi trường; Hệ sinh thái IoT và ứng dụng trong thu nhận số liệu quan trắc, giám sát ngành tài nguyên môi trường, …
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
 

Thảo luận tại Hội thảo này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến việc đánh giá, nhìn nhận đầy đủ về cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, từ đó đẩy mạnh việc thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước.

Nguồn: Vụ Công nghệ cao

Lượt xem: 3815

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)