Thứ ba, 08/10/2019 10:07 GMT+7

Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm

Các ngành công nghiệp khác nhau phát thải ra những nguồn khí thải có thành phần các chất gây ô nhiễm môi trường không khí khác nhau. Dựa trên những tính chất vật lý, hóa học của các chất gây ô nhiễm và các đặc tính của nguồn thải, điều kiện kinh tế, yêu cầu chất lượng nguồn khí thải trước khi thải ra môi trường thì có nhiều phương pháp xử lý khí thải khác nhau. Trong đó có phương pháp hấp thụ được thế giới nghiên cứu và ứng dụng thành công để xử lý khí thải. Có rất nhiều dạng thiết bị sử dụng để xử lý hơi khí thải như tháp đệm, tháp phun rỗng, tháp venturi, Rainstorm…

Trên thế giới, việc áp dụng kết quả nghiên cứu sử dụng tháp hấp thụ kiểu Rainstorm để xử lý khí thải gây ô nhiễm môi trường đã có từ lâu và đã được sử dụng một cách tương đối rộng rãi và có hiệu quả. Thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thành công được sản xuất và bán trên thị trường và được áp dụng nhiều trong ngành công nghiệp như công nghiệp hóa chất, công nghiệp sơn, mạ và các ngành công nghiệp khác có phát sinh hơi, dung môi… Hiện nay, trên thế giới có nhiều công ty chuyên nghiên cứu, thiết kế chế tạo và thương mại thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm, họ có nhiều cải tiến đáng kể trong việc bảo vệ thiết bị và tăng hiệu suất của thiết bị, phải kể đến các công ty như: Stainless Fabrication, INC, Shappsville Container, Teralba Industries…

Ở Việt Nam, các dòng thiết bị hấp thụ như tháp đệm, tháp phu rỗng, thiết bị hấp thụ kiểu venturi… đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi, tuy nhiên thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm chưa được nghiên cứu và ứng dụng.

Thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm phù hợp với việc xử lý khí có lưu lượng lớn, hiệu quả xử lý khí thải cao, thiết bị dễ vận hành và đặc biệt là có cấu tạo đơn giản, tiêu hao năng lượng vận hành thấp nhất.

Vì vậy việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm hấp thụ các chất hữu cơ bay hơi như toluen, xylen… sẽ góp phần đáng kể vào việc làm sạch môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho nhà máy và bảo vệ sức khỏe cán bộ công nhân viên làm việc trong khu vực phát sinh hơi khí thải.  

Từ tình hình nghiên cứu, ứng dụng và thực tiễn sản xuất đã đặt ra vấn đề nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm để giúp tự chủ được công nghệ và chế tạo thiết bị không phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, giảm chi phí đầu tư và chi phí ngoại tệ nâng cao hiệu quả làm việc, từng bước nội địa hóa thiết bị vào thị trường Việt Nam, bảo vệ môi trường cũng như gián tiếp góp phần giảm giá thành sản phẩm. Đó cũng là lý do mà Cơ quan chủ trì Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất cùng phối hợp với Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Ngô Quốc Khánh thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm”.

Trong thời gian gần 1 năm kể từ ngày nhận được đề tài khoa học và công nghệ do Bộ Công Thương giao, nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện được đầy đủ nội dung yêu cầu của nhiệm vụ được giao bao gồm: 

- Nghiên cứu, thu thập các tài liệu nước ngoài về các dạng thiết bị hấp thụ khí thải và tình hình sử dụng thiết bị hấp thụ kiểu Rainstorm ở Việt Nam và trên thế giới.

- Đã xây dựng được hồ sơ thiết kế chế tạo thiết bị hấp thụ Rainstorm và đã chế tạo thành công thiết bị hấp thụ cũng như xây dựng dây chuyền công nghệ và lắp đặt tại hiện trường để tổ chức tiến hành thí nghiệm, đánh giá hiệu quả của thiết bị.

 - Đã tiến hành chạy thử thử nghiệm tại hiện trường, hiệu chỉnh các thông số công nghệ kỹ thuật phù hợp với hiệu xuất hấp thụ tối ưu nhất.

- Đã xây dựng quy trình vận hành và đánh giá khả năng áp dụng vào thực tế. Các mục tiêu khoa học đạt được của đề tài góp phần không nhỏ vào việc cung cấp các giải pháp chế tạo, lựa chọn các dạng thiết bị hấp thụ thích hợp để giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu trong quá trình vận hành, cũng như khả năng chế tạo các thiết bị trong nước, tạo nguồn cung ổn định, tránh phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất và nhập khẩu nước ngoài.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13960/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2206

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)