Thứ sáu, 12/07/2019 16:27 GMT+7

Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lạc, đậu tương chịu hạn, ngắn ngày cho vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên

Tổng diện tích tự nhiên của vùng Duyên hải Nam Trung bộ (gồm các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) và Tây nguyên (gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là 9.880.200 ha. Trong đó, đất sản xuất và có khả năng sản xuất nông nghiệp trên 2.200.000 ha, chiếm khoảng 22,5% so với tổng số.

Do đặc thù của đá mẹ và ảnh hưởng của điều kiện địa hình, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng sinh thái Nam Trung bộ và Tây nguyên chủ yếu tập trung vào các nhóm sau: đất phù sa thành phần cơ giới nhẹ và nặng, đất xám bạc màu trên nền phù sa cổ, đất cát trắng ven biển, đất đỏ vàng feralit và đất đỏ bazan. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của vị trí địa lý, nên đặc trƣng khí hậu của cả 2 vùng vẫn là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, lượng mưa hàng năm biến động từ 1.500mm - 2.200mm (ngoại trừ tinh Ninh Thuận), có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, thời gian sinh trưởng của cây trồng từ 300 - 330 ngày/năm, cường độ bức xạ lớn,… Như vậy, điều kiện đất đai và khí hậu ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên thích hợp để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung đối với các loại cây trồng nguồn gốc nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây lạc và cây đậu tương. 

Từ công tác nghiên cứu và thực tiễn sản xuất lạc, đậu tương ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên đã cho thấy những hạn chế chủ yếu là: bộ giống lạc, đậu tương thích nghi với điều kiện sinh thái của vùng tuy có nhưng chưa phong phú; xu thế biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra rõ rệt và xác suất gặp hạn hán trong vụ canh tác lớn; năng suất của các giống chưa thực sự đột phá và khả năng chịu hạn chưa tốt; còn thiếu các quy trình đồng bộ và tiên tiến; nghiên cứu cơ bản ít chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, năng suất lạc bình quân ở cả 2 vùng chỉ mới đạt bình quân 17 - 18 tạ/ha (tương đương 85% so với năng suất bình quân cả nước) và năng suất đậu tương đạt 16,8 tạ/ha, cao hơn so với bình quân cả nước nhưng còn thấp hơn nhiều so với một số nước trên thế giới.

Để từng bước khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng phát triển sản xuất lạc, đậu tương ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên theo hướng hàng hóa và bền vững, trong thời gian đến cần tập trung nghiên cứu: 

- Chọn tạo các giống lạc và đậu tương chịu hạn, ngắn ngày, năng suất khá, thích nghi trên các chân đất phù sa, đất đỏ, đất xám và điều kiện canh tác ở vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. 

- Nghiên cứu bổ sung các kỹ thuật canh tác (mật độ, che phủ, dinh dưỡng khoáng, thời vụ…) để tổng hợp xây dựng kỷ thuật canh tác theo hƣớng ICM đối với các giống lạc, đậu tương đã được chọn tạo trong từng điều kiện cụ thể.     

Do đó, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lạc, đậu tương chịu hạn, ngắn ngày cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên” được giao cho Cơ quan chủ trì: Viện KHKT Nông nghiệp DH Nam Trung bộ phối hợp cùng Chủ nhiệm dự án: TS. Hồ Huy Cường.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu lại được những kết quả như sau:

(1) Đã thu thập 212 mẫu giống và dòng thuần của cây lạc và đậu tương để làm vật liệu lai tạo, đột biến và chọn lọc giống mới. 

(2) Đã tiến hành lai 104 tổ hợp và đột biến 10 giống đối với lạc và đậu tương để tạo vật liệu khởi đầu. Từ nguồn vật liệu khởi đầu, đề tài đã tiến hành gieo cấy, đánh giá 9.391 dòng và chọn lọc được 8.953 dòng ưu tú của các thế hệ từ F2 đến F6 để phục vụ cho công tác chọn giống trong thời gian thực hiện đề tài và trong giai đoạn tiếp theo. 

(3) Kế thừa các dòng thuần từ giai đoạn trước và bổ sung nguồn vật liệu khởi đầu mới, đề tài đã đánh giá và xác định 7 giống/dòng đậu tương và 7 giống/dòng lạc triển vọng công nhận giống và phục vụ công tác chọn giống giai đoạn tiếp theo. Các giống/dòng lạc triển vọng thích nghi với điều kiện khí hậu và đất đai ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, thời gian sinh trưởng từ 90 - 100 ngày, nhiễm nhẹ với bệnh héo xanh, tỷ lệ nhân/quả lớn hơn 68% và năng suất thực thu trên 30,0 tạ/ha. Các giống/dòng đậu triển vọng thích nghi với điều kiện khí hậu và đất đai ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, thời gian sinh trƣởng từ 82 - 90 ngày, nhiễm nhẹ với bệnh hại lá, chống đổ ngã tốt, ít tách quả và năng suất thực thu trên 25,0 tạ/ha    

(4) Từ năm 2011 - 2015, đã công nhận sản xuất thử 02 giống đậu tương ĐTDH.02, ĐTDH.10 và 01 giống lạc LDH.10. Trong đó giống đậu tương ĐTDH.02 là dòng triển vọng từ giai đoạn trƣớc và đề tài kế thừa kết quả để xây dựng hồ sơ công nhận giống. Các giống đậu tương mới công nhận có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày, chống đổ ngã tốt và năng suất đạt trên 25,0 tạ/ha. Giống lạc LDH.10 có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày, năng suất thực thu trên 30,0 tạ/ha, chịu hạn khá và kháng vừa với bệnh héo xanh.        

(5) Xác định được mật độ trồng và lượng phân bón kali hợp lý để nâng năng suất giống đậu tương ĐTDH.03 và ĐTDH.10 lên trên 25,0 tạ/ha cũng như nâng năng suất giống lạc LDH.10 lên trên 35,0 tạ/ha. Qua đó xây dựng hồ sơ và đƣợc Hội đồng KHCN cấp cơ sở công nhận 3 quy trình canh tác giống lạc và đậu tƣơng ĐTDH.10, ĐTDH.03 và LDH.10.  (6) Sản xuất thử giống lạc LDH.10 và giống đậu tƣơng ĐTDH.10 với quy mô 18.000 m2. Năng suất giống đậu tương ĐTDH.10 trong diện tích sản xuất thử đạt đến ngưỡng 30,0 tạ/ha và năng suất giống lạc LDH.10 trong diện tích sản xuất thử đạt đến ngưỡng 35,0 tạ/ha.       

(7) Đề tài đã công bố 3 bài báo liên quan đến kết quả nghiên cứu của đề tài và góp phần đào tạo 01 Thạc sỹ về cây lạc.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13853/2017) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3530

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)