Thứ sáu, 12/07/2019 15:59 GMT+7

Nghiên cứu chọn giống Keo lai sinh trưởng nhanh bằng chỉ thị phân tử

Giống Keo lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm (gọi tắt là Keo lai) được ghi nhận là có nhiều đặc điểm ưu việt hơn so với 2 loài bố mẹ như: sinh trưởng nhanh, thích ứng được trên nhiều dạng lập địa và kháng sâu bệnh. Từ năm 1991, các dòng Keo lai tự nhiên đã được phát hiện, nghiên cứu và được phát triển rộng rãi trong sản xuất. Ở nước ta, đến nay có trên 400.000 ha rừng Keo lai đã được trồng và diện tích trồng rừng hàng năm của Keo lai được dự đoán từ 20.000-30.000 ha. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 7 dòng Keo lai tự nhiên đã được phát triển trong sản xuất nên chưa đảm bảo an toàn sinh học trong trồng rừng dòng vô tính vì thế công tác chọn giống Keo lai cần được tiếp tục tiến hành.

Để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu (là giống mới chọn lọc) việc nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng (chủ yếu là nuôi cấy mô) cũng cần được tiến hành. Qua đó, xây dựng được phương pháp nhân giống thích hợp cũng như nguồn giống gốc có chất lượng thông qua chuyển giao giống và kỹ thuật nhân giống cho các đơn vị sản xuất cây giống sẽ góp phần đưa nhanh các giống mới này vào ứng dụng trong thực tế. Không những nâng cao năng suất rừng trồng mà còn tăng tính an toàn sinh học trong trồng rừng sản xuất dòng vô tính.
 


 

Đề tài “Nghiên cứu chọn giống Keo lai sinh trưởng nhanh bằng chỉ thị phân tử” được đề xuất và triển khai thực hiện bởi TS. Hà Huy Thịnh cùng các đồng nghiệp đến từ Viện NC Giống và CNSH Lâm nghiệp với các mục tiêu chủ yếu như sau:

- Chọn lọc 5 giống Keo lai có sinh trưởng nhanh

- Xây dựng quy trình chọn tạo giống Keo lai sinh trưởng nhanh bằng chỉ thị phân tử

- Xác định được 5 cặp bố mẹ lai tốt nhất

- Chọn lọc được 20 chỉ thị phân tử có tương quan với tính trạng sinh trưởng.
 

Trong quá trình thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả đáng chú ý, bao gồm:

1. Đề tài đã phát triển được 48 cặp mồi SSR mới cho Keo lai trong đó có 11 cặp mồi có tính đa hình cao và hoạt tốt cho cả 2 loài bố mẹ.

2. Đề tài đã sàng lọc được 46 cặp mồi SSR có tính đa hình cao cho các loài Keo tai tượng và Keo lá tràm.

3. Đã phát triển được 5 cặp mồi đặc hiệu cho loài Keo tai tượng và Keo lá tràm dùng để xác định chính xác cây lai F1 cũng như phân biệt cây lai với các cây thuần loài bố mẹ. Các chỉ thị này có thể được áp dụng ngay trong quá trình chọn giống Keo lai cũng như thuần loài của Keo tai tượng và Keo lá tràm, bằng việc đánh giá loại bỏ các cá thể có kiểu gen không mong muốn.

4. Đề tài cũng tối ưu hóa được các nhóm phản ứng đa mồi có thể sử dụng đồng thời các mục đích: (a) xác định đối tượng nghiên cứu là cây lai F1, F2 hay thuần loài Keo lá tràm hoặc Keo tai tượng, (b) xác định các cá thể lai có tiềm năng sinh trưởng nhanh và (3) xác định nguồn gốc di truyền của vật liệu nghiên cứu.

5. Đã xác định được 21 chỉ thị phân tử hoạt động ổn định trên Keo lai và 2 loài bố mẹ và có tương quan đến tính trạng sinh trưởng với mức độ tác động cộng gộp của các alen nên biểu hiện của tính trạng sinh trưởng nhanh từ 1,8% đến 8,1% trên hiện trường thí nghiệm. Các dòng có tiềm năng sinh trưởng nhanh từ quân thể chọn giống đã được chọn lọc và qua khảo nghiệm chứng minh dòng, một số dòng cho khả năng sinh trưởng tốt.

6. Đã xây dựng được 06 ha khảo nghiệm dòng vô tính cho các giống Keo lai mới được chọn lọc bằng chỉ thị phân tử có kết hợp với các phương thức chọn giống truyền thống.

7. Qua khảo nghiệm đã chọn lọc được 5 dòng (BB055, BB026, BV 586 tại khảo nghiệm Quy Nhơn và các dòng BV523, BV585 tại khảo nghiệm ở Quảng Trị) có sinh trưởng tương đương so với giống đã được công nhận, có thể đạt từ 30m3/ha/năm khi kết hợp với các biện pháp lâm sinh thích hợp, đây là nguồn vật liệu nền tảng cho các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo. 

8. Đã tiến hành thí nghiệm nhân giống bằng nuôi cấy mô cho 05 dòng Keo lai có triển vọng với kết quả cao, có thể áp dụng vào sản xuất trên quy mô nhỏ. 

9. Đã xây dựng được 1 bản quy trình kỹ thuật sử dụng chỉ thị phân tử trong chọn giống Keo lai sinh trưởng nhanh.

Đề tài nếu được thực hiện sẽ là mô hình đầu tiên sử dụng song song cả 2 phương pháp này mà trong đó, ứng dụng và phát triển các chỉ thị phân tử trong chọn giống Keo lai sẽ là công cụ đắc lực cho các hoạt động chọn giống nhằm rút ngắn được thời gian, đưa ra các chiến lược cụ thể cho các chương trình chọn giống. Kết quả của đề tài không những là các giống Keo lai mới có năng suất tương đương với các giống đã được công nhận mà còn là các chỉ thị phân tử có thể sử dụng cho các nghiên cứu sâu hơn trong các chương trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu lâm nghiệp.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14285/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3956

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)