Thứ tư, 12/12/2018 16:24 GMT+7

Chế tạo thành công Masterbatch làm tăng tính năng của một số loại nhựa

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ KH&CN) đã tổ chức buổi họp Hội đồng khoa học công nghệ cấp Nhà nước đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo Masterbatch làm tăng tính năng của một số loại nhựa”, đề tài mang mã số KC.02.01/16-20 do TS Nguyễn Phi Trung - Viện Nghiên cứu và Phát triển vật liệu mới làm chủ nhiệm.


Toàn cảnh buổi nghiệm thu đánh giá của hội đồng khoa học công nghệ cấp Nhà nước
 

Chất dẻo hay còn gọi là nhựa hoặc polymer được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng góp phần quan trọng vào phục vụ đời sống con người cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác như điện, điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp…Cùng với sự phát triển của KH&CN, chất dẻo còn được ứng dụng và trở thành vật liệu thay thế cho những vật liệu truyền thống tưởng chừng như không thể thay thế được là gỗ, kim loại, silicat…Do đó, ngành công nghiệp nhựa ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sản xuất của các quốc gia.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ngành công nghiệp Nhựa dù còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, dệt may,…nhưng có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ, ngành nhựa đang được coi là một ngành năng động trong nền kinh tế Việt Nam. Sự tăng trưởng đó xuất phát từ thị trường rộng, tiềm năng lớn và đặc biệt là vì ngành nhựa Việt Nam mới chỉ ở bước đầu của sự phát triển so với thế giới và sản phẩm nhựa được phát huy sử dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống bao gồm sản phẩm bao bì nhựa, sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng, sản phẩm nhựa gia dụng và sản phẩm nhựa kỹ thuật cao.

Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng quy trình công nghệ chế tạo masterbatch làm tăng tính năng và khả năng phân hủy sinh học của một số loại nhựa có chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoại; xây dựng được quy trình ứng dụng masterbatch để sản xuất một số sản phẩm ngành nhựa làm tăng tính năng và khả năng phân hủy sinh học.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, TS Nguyễn Phi Trung - chủ nhiệm đề tài cho biết: Sau một thời gian nỗ lực nghiên cứu, nhóm thực hiện đã đạt được một số kết quả như: đã khảo sát và lựa chọn được các thành phần tối ưu cho quá trình chế tạo masterbatch phụ gia có khả năng tự hủy và tính năng tăng cường; đã xây dựng quy trình công nghệ chế tạo 8 loại masterbatch phụ gia trên thiết bị đùn 2 trục vít công suất 30 kg/giờ. Đồng thời tiến hành chế tạo 10 tấn masterbatch phụ gia đáp ứng được chất lượng; đã xây dựng quy trình ứng dụng masterbatch phụ gia do Đề tài nghiên cứu và chế tạo được 10 loại sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học và tính năng tăng cường. Ngoài ra Đề tài đã xây dựng được 8 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho 8 masterbatch phụ gia tương đương tiêu chuẩn quốc tế; đã công bố 06 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín; đã tham gia đào tạo 02 tiến sĩ và 02 thạc sĩ theo hướng dẫn của đề tài và đã đăng ký 01 giải pháp hữu ích.

Các masterbatch phụ gia do đề tài chế tạo là những phụ gia được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp nhựa ở nước ta hiện nay. Vì vậy, khi chế tạo thành công masterbatch phụ gia các loại sẽ tạo ra một dòng sản phẩm mới đáp ứng một phần nhu cầu thị trường trong nước.

Quy trình công nghệ chế tạo masterbatch phụ gia các loại đưa ra trong đề tài là lần đầu tiên được nghiên cứu trong nước. Ngoài ra, với mỗi masterbatch phụ gia đều được xây dựng quy trình ứng dụng cho các sản phẩm nhựa cụ thể nhằm nâng cao khả năng phân hủy sinh học và tính năng của nhựa. Đây là một hướng đi hoàn toàn mới, mang tính sáng tạo cao, TS Nguyễn Phi Trung cho biết thêm.

Việc chế tạo thành công sản phẩm masterbatch phụ gia giúp giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay liên quan đến sự phát triển của ngành nhựa nói chung và phụ gia nhựa nói riêng, liên quan đến vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung trên thế giới cũng như biến động giá cả trên thị trường thế giới hiện nay. Đề tài góp phần đáng kể vào việc hạ giá thành sản phẩm nhựa và tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đề tài thực hiện xong tạo được nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước nhờ vào việc giảm các loại thuế nhập khẩu.

Đặc biệt, Đề tài được thực hiện thành công góp phần thực hiện mục tiêu của quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghện hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là “Phát triển linh kiện phụ tùng nhựa - cao su đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước. Đồng thời, đề tài cũng giúp gải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay là giúp tạo công ăn, việc làm cho người lao động.

Với những kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng khoa học cấp Quốc gia tiến hành nghiệm thu và đánh giá đạt./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2231

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)