Thứ năm, 15/11/2018 11:10 GMT+7

Thứ trưởng Bùi Thế Duy kiểm tra công tác cải cách hành chính tại tỉnh Bình Định

Ngày 14/11/2018, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, làm việc về công tác CCHC tại tỉnh Bình Định.

Tham gia Đoàn công tác về phía Bộ KH&CN có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Văn phòng Bộ, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; cùng dự có đại diện Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
 


Toàn cảnh buổi làm việc.

 

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, năm 2018, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC từ tỉnh đến huyện, xã tiếp tục được các cơ quan, địa phương tập trung quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và xem đây là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh triển khai có hiệu quả, chất lượng trong công tác CCHC. Trong Kế hoạch CCHC năm 2018, tỉnh đã xác định các mục tiêu trọng tâm: Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập; phấn đấu nâng cao thứ hạng các chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số Quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số CCHC... Cùng với đó là kế hoạch của các cơ quan, đơn vị liên quan như: Kế hoạch kiểm soát TTHC, Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin; Kế hoạch xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với UBND cấp xã; Kế hoạch tuyên truyền CCHC;...

Hiện có 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; đã có nhiều chuyển biến tốt trong giải quyết TTHC theo hướng công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên trang Dịch vụ công của tỉnh.

Đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN, hiện nay 4 tổ chức KH&CN công lập thuộc Sở KH&CN gồm Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đều đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án tự chủ trong thời gian ổn định 03 năm kể từ 01/01/2017 theo quy định tại Nghị định 54/2016/NĐ-CP. Cả 04 Trung tâm này là tổ chức KH&CN công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đang xây dựng đề án sáp nhập, hợp nhất đảm bảo theo kế hoạch.

Nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành đã góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Hiện tỉnh có 38 Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, hoạt động ổn định, thường xuyên cập nhật các tin, bài, hình ảnh hoạt động của đơn vị cũng như các văn bản, thông tin chỉ đạo điều hành của mỗi ngành. Hệ thống văn phòng điện tử đã được triển khai tại 21/21 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 11/11 UBND cấp huyện và 70/159 UBND cấp xã; 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng mạng nội bộ (LAN) để trao đổi công việc; triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến với 100% TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 1, mức độ 2; 374 thủ tục mức độ 3; 96 thủ tục mức độ 4.

Tỉnh cũng đã triển khai mạnh mẽ việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động tại các cơ quan hành chính như ban hành Kế hoạch chuyển đổi áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; ban hành chế độ tài chính áp dụng đối với thực hiện Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan hành chính; Kế hoạch xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với UBND cấp xã. Mục tiêu đặt ra đến năm 2019, có trên 50% và năm 2020 có trên 70% UBND cấp xã hoàn thành việc xây dựng, áp dụng và công bố HTQLCL;...


Tiếp tục hướng đến những hoạt động thực chất

Tại buổi làm việc, các sở, ban, ngành của tỉnh và các thành viên trong đoàn công tác đã cùng trao đổi, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh. Theo đó, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động CCHC của tỉnh hiện cũng còn một số hạn chế như tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích còn ít hồ sơ phát sinh giao dịch; việc thực hiện công khai thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả chưa đầy đủ; giải quyết TTHC đôi lúc còn trễ hạn so với quy định, nhất là trong lĩnh vực đất đai; việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước cấp xã còn chậm... Các đại biểu tham dự cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác CCHC.

 


Đồng chí Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

 

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của tỉnh. CCHC ngoài yếu tố con người và sự nỗ lực, quyết tâm thì việc đưa KH&CN vào cũng đặc biệt quan trọng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra công vụ, kiểm tra, công tác CCHC; Xây dựng, triển khai các nội dung thuộc Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, trong đó tập trung các nội dung phục vụ hiện đại hoá nền hành chính nhà nước; Tiếp tục duy trì hiệu lực, mở rộng và nâng cao hiệu quả trong triển khai áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đảm bảo thống nhất thời gian và hoàn thành kế hoạch chuyển đổi áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015,...

Tỉnh Bình Định đề xuất, cần sửa đổi các quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn khung và giao các địa phương quyết định cụ thể; các Bộ, ngành Trung ương khi xây dựng văn bản quy định về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cần quy định tuân thủ việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC phải theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được áp dụng thống nhất tại Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; Các Bộ, ngành sớm ban hành Bộ TTHC được chuẩn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của từng Bộ, ngành làm cơ sở để UBND cấp tỉnh ban hành Bộ TTHC của 3 cấp tại địa phương; cần có sự thống nhất giữa các Bộ trong việc xét tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC;...

 


Đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao kết quả CCHC Tỉnh đạt được.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Trưởng đoàn kiểm tra đã đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như triển khai quyết liệt việc thực hiện CCHC của tỉnh. Theo Thứ trưởng, mục đích chính của CCHC, hiện đại hóa nền hành chính nhằm giúp giảm chi phí, công sức, tăng độ hài lòng, thuận tiện cho người dân; tăng tính hiệu quả, giảm thời gian xử lý công việc. “Qua báo cáo và tìm hiểu thực tế tại Sở Xây dựng, UBND huyện Tuy Phước cho thấy sự quyết liệt và chuyển động rất lớn trong công tác CCHC của tỉnh. Điều đó đã minh chứng rất sinh động kết quả của công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương, tạo sự chuyển biến rõ rệt”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Thứ trưởng đề nghị, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Liên quan đến việc tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công, tỉnh cần khai thác, chia sẻ một cách hiệu quả, linh hoạt giữa các phương thức khác nhau...

Thứ trưởng cũng đề nghị Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông cần đánh giá hiệu quả CCHC theo tiêu chí thực chất, ví dụ khi áp dụng phần mềm có sự thay đổi, tác động như thế nào đến khối lượng công việc, thời gian, mức độ người dân nộp hồ sơ, hiệu quả mang lại cho người dân,... Đồng thời mong muốn, tỉnh cần thực sự quyết tâm, đi vào các hoạt động hướng đến thực tiễn, tập trung vào những cách làm hiệu quả; khi chuyển đổi các đơn vị sang công ty cổ phần, tỉnh cần lưu ý đến yếu tố bảo đảm phát triển bền vững;....

Trước đó, đoàn công tác Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã làm việc với một số đơn vị (Sở Xây dựng, UBND huyện Tuy Phước) của tỉnh về việc thực hiện công tác CCHC.

 


Thứ trưởng Bùi Thế Duy trao đổi với bộ phận Văn thư của Sở Xây dựng về công tác hiện đại hóa nền hành chính.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3098

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)