Hà Tĩnh có khoảng 30 sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực và làng nghề truyền thống danh tiếng như: Bưởi Phúc Trạch; cu đơ; cam bù, nhung hươu Hương Sơn; hồng vuông Thạch Đài; mộc Thái Yên; nước mắm Cẩm Nhượng... góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 4 sản phẩm đặc sản được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Số nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp. Cuối năm 2014, cả tỉnh có 343 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đã được cấp 243 văn bằng bảo hộ, trong đó có 236 nhãn hiệu, 2 sáng chế, 3 kiểu dáng công nghiệp và 1 chỉ dẫn địa lý, 1 văn bằng bảo hộ quốc tế. Hầu hết, các đối tượng đăng ký trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung đăng ký nhãn hiệu (chiếm 95%), số đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng khác rất ít.
Hội thảo đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu để chủ động mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó cần đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; định hướng phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh cao; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Cũng tại hội thảo, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu về vai trò của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ; các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; cơ quan quản lý việc xác lập quyền; các hình thức bảo hộ sản phẩm đặc sản, làng nghề và bảo hộ ra nước ngoài...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ; tháo gỡ vưỡng mắc về cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất, theo chuỗi liên kết nhằm tạo ra sản phẩm mang lại giá trị hàng hóa cao.
Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ; tiến hành rà soát và có kế hoạch lộ trình để phát triển tài sản sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước... Sở KH&CN sớm tham mưu và xây dựng đề án về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trình Tỉnh xem xét và triển khai thực hiện.