Thứ sáu, 13/04/2018 16:31 GMT+7

Doanh nghiệp Việt mới tiếp cận CMCN 4.0 ở mức trung bình

Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài với năng lực công nghệ, tài chính mạnh đã có sự chuẩn bị tốt để ứng dụng những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, tuy nhiên, với DN nội, đặc biệt là DN vừa và nhỏ mức độ tiếp cận mới chỉ ở mức trung bình.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

 

Ngày 12/4, trong khuôn khổ Dự án: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo - Trình diễn CMCN 4.0: Internet vạn vật - Người máy - Trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm hỗ trợ tuyên truyền, thúc đẩy nhận thức của cộng đồng DN Việt Nam về sự chuyển đổi tất yếu về phương thức sản xuất, kinh doanh liên quan đến cuộc CMCN 4.0 nói chung và Internet vạn vật (IoT) nói riêng.

Đồng thời, đây là kênh kết nối các đối tác trong nước và ngoài nước, cung cấp các giải pháp ứng dụng với tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo… cho cộng đồng DN Việt.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0 hứa hẹn sẽ mang lại cho cộng đồng DN Việt Nam những cơ hội làm ăn mới, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực như: Sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính-ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp...

Theo đó, khi thích ứng với cuộc cách mạng này, các DN sẽ nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất-vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Vinh: “CMCN 4.0 không thể hiện qua những khái niệm chung chung mà cần có những đánh giá, nghiên cứu sâu để tìm ra ảnh hưởng cụ thể đến nguồn nhân lực cũng như cơ hội cho các DN trong từng ngành, lĩnh vực. Các nghiên cứu này sau khi công bố rộng rãi sẽ giúp các DN thấy được sự cần thiết của việc ứng dụng KHCN trong hoạt động của mình”.

 

Hệ thống gắp thả nguyên liệu thông minh dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý ảnh 3 chiều. Ảnh: VGP/Thu Lê

 

Ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Chính phủ đã và đang thể hiện rõ tinh thần quyết liệt hành động đưa đất nước có những bước đi đột phá nhằm vươn lên, nắm bắt những cơ hội do CMCN 4.0 mang lại và bắt nhịp cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới”, ông Chiến nói.

Về phía các DN, theo ông Chiến, tuy nhận thức của họ về CMCN 4.0 đã được nâng cao thông qua các kênh truyền thông, hội nghị, hội thảo… nhưng vẫn còn khá mơ hồ về những bước đi cụ thể trong việc thay đổi quy trình sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực.

“Các DN có vốn đầu tư nước ngoài với năng lực công nghệ rất mạnh đã có sự chuẩn bị tốt để ứng dụng những công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0. Tuy nhiên, với DN nội, đặc biệt là DN vừa và nhỏ mức độ tiếp cận mới chỉ ở mức trung bình”, ông Chiến cho biết.

Ông Chiến cũng cho biết, hiện Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ cụ thể với từng, tỉnh, thành phố có tiềm năng. Bộ cũng đang xây dựng các dự án ứng dụng KHCN cấp quốc gia để có những hỗ trợ cụ thể cho các DN thông qua nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Hiện Bộ đang phối hợp với chuyên gia, tập hợp ý tưởng, đề xuất, sau đó làm việc với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng các khung chương trình từ nay đến năm 2025. Trong đó, các công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, in 3D, chuỗi khối blockchain… đều được đưa vào làm đối tượng nghiên cứu triển khai ứng dụng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, theo ông Chiến, các bộ, ngành sẽ tích cực hỗ trợ, khai thông các cơ chế chính sách ban đầu nhưng nỗ lực chính phải là các DN, đặc biệt các tập đoàn lớn là những nhân tố cốt lõi dẫn dắt tạo ra sự phát triển mạnh mẽ đối với việc ứng dụng công nghệ.

Dự án: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0” được VCCI triển khai từ đầu năm 2018, gồm nhiều hoạt động như: Tổ chức các hội thảo, tuyên truyền, đi sâu vào các giải pháp công nghệ thực tiễn ứng dụng trong từng ngành, lĩnh vực; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực tiếp cận với CMCN 4.0; nhân rộng mô hình DN đã và đang thực hiện các mô hình giải pháp công nghệ; làm cầu nối giữa các công ty công nghệ với các DN có nhu cầu để hiện thực hóa các công nghệ đó trong thực tiễn sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các DN tham quan, học hỏi các mô hình tiên tiến trên thế giới…

Dự án được thực hiện nhằm tăng cường truyền tải thông tin và thúc đẩy DN ứng dựng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh của DN nội trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới./.

Liên kết nguồn tin:

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/DN-Viet-moi-tiep-can-CMCN-40-o-muc-trung-binh/333996.vgp

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Lượt xem: 4307

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)