Thứ hai, 14/06/2021 15:55 GMT+7

Nâng cao chất lượng nông sản mang chỉ dẫn địa lý

Vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) được cấp chỉ dẫn địa lý năm 2008. Đến nay địa phương đã khai thác, phát triển hiệu quả chỉ dẫn địa lý này. Từ thực tiễn cho thấy, khoa học và công nghệ là con đường duy nhất để nâng cao giá trị, thương hiệu của vải thiều Lục Ngạn, qua đó đem lại nguồn thu cho người nông dân.

Chăm sóc vải thiều tại vùng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Ngay sau khi vải thiều Lục Ngạn được cấp chỉ dẫn địa lý, UBND huyện Lục Ngạn đã phối hợp Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều tập trung quản lý, quy hoạch vùng sản xuất theo đúng chỉ dẫn địa lý tại 17 xã của huyện. Tỉnh Bắc Giang đã triển khai đề án phát triển cây vải thiều hướng tới đạt tiêu chí sản phẩm quốc gia. Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên thực hiện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả vải, hướng dẫn người dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu; xây dựng quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các nước tiên tiến.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết, nhiều năm qua, vùng trồng vải nơi đây và một số địa bàn xã khác sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đặc biệt, đã có 194,5 ha được chuyển sang sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt hơn để xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản sau khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường này. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất của người dân đã chuyển biến mạnh mẽ, tập trung mục tiêu tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đồng thời mở rộng diện tích áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất tiên tiến để tăng giá trị cho sản phẩm. 

Đến nay, địa bàn huyện Lục Ngạn đã hình thành các vùng trồng vải đạt tiêu chuẩn  xuất khẩu. Trong tổng số 15.450 ha vải của toàn huyện có 12.400 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và 318 ha đưa vào kế hoạch sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhờ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, trên địa bàn đã hình thành 18 mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu; 36 mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc; 27 mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Mỗi mã vùng trồng có một hộ làm tổ trưởng, hai đến ba hộ khác là thành viên, được thẩm định, giám sát nghiêm ngặt. Trong một vùng vải thiều, địa điểm nào được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, áp dụng tiêu chuẩn khoa học và công nghệ cao thì có giá bán tốt và tiêu thụ thuận lợi hơn.

Đây là năm đầu tiên vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, có gắn chỉ dẫn địa lý mà không phải mang bao bì, tem nhãn của nhà nhập khẩu nước ngoài. Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, cùng với nỗ lực vào cuộc của nhiều cơ quan, chính quyền địa phương, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp chặt chẽ với nhiều cấp và các cơ quan liên quan của Nhật Bản để đẩy nhanh quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của pháp luật Nhật Bản về bảo hộ chỉ dẫn địa lý để vải thiều Lục Ngạn về đích sớm nhất trong số ba sản phẩm đặc thù của Việt Nam đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, sản lượng vùng trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản chỉ chiếm 1% tổng sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn. Tuy giá trị kinh tế bước đầu chưa cao, nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn, khẳng định người nông dân Bắc Giang có đủ khả năng làm ra sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng thị trường khó tính nhất. Đó cũng là bằng chứng để người tiêu dùng các nước hoàn toàn yên tâm về chất lượng vải thiều Lục Ngạn. 

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn đã được khai thác, phát triển thành công, là điển hình của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Tỉnh Bắc Giang kỳ vọng xuất khẩu vải thiều thời gian tới sẽ tăng về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Bài toán mới mà tỉnh Bắc Giang đặt ra cho ngành khoa học và công nghệ đối với cây vải thiều Lục Ngạn là từ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn phải lên mức theo hướng hữu cơ kết hợp với xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.vn/science-news/nang-cao-chat-luong-nong-san-mang-chi-dan-dia-ly-650322/

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 853

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)