Thứ sáu, 13/04/2018 12:31 GMT+7

Nhà khoa học phản ánh bất cập trong quyết toán đề tài với Bộ trưởng

Đã có nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi trong thanh quyết toán đề tài, song nhà khoa học cho rằng vẫn còn hạn chế, buộc họ phải "nói dối".

Ngày 11/4, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đối thoại với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu đề tài nghiên cứu. Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ ngành liên quan. Nội dung được các nhà khoa học quan tâm nhất là cơ chế tài chính và thời gian xét duyệt đề tài.

Chưa bỏ tình trạng "nói dối" trong nghiên cứu

Tại buổi làm việc, Thông tư 55/2015 về định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí với nhiệm vụ khoa học có sử dụng ngân sách và Thông tư 27/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách - được nhắc đến nhiều nhất. Hai thông tư nhằm "cởi trói" trong thanh quyết toán đề tài, tạo thuận lợi cho nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, văn bản này đã bộc lộ hạn chế.

GS Nguyễn Đình Công, Phó chủ tịch VAST, đánh giá Thông tư 27 với điểm mới là các nhiệm vụ khoa học công nghệ được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhưng vẫn khiến nhà khoa học tốn nhiều thời gian công sức để hoàn thành đề cương nhiệm vụ với phần dự toán kinh phí đầy trang hơn cả nội dung khoa học.

Ông Bùi Minh Trí, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh thành, phản ánh bất cập của Thông tư 55 khi định mức kỹ thuật, ngày công lao động không được điều chỉnh từ nhiều năm. Đơn giá công nhân vẫn 80.000 đồng, cán bộ 120.000 đồng.

"Khi thực hiện nghiên cứu ở Kiên Giang, nhóm bỏ tiền thuê công nhân 300.000 đồng, nhưng định mức quy định là 100.000 đồng. Chúng tôi lấy tiền đâu ra? Đó là chưa kể khoản nhỏ khác như mua nước uống cho họ", ông Trí nói. Nhiều lần Viện cùng bộ ban ngành tổ chức họp tháo gỡ, nhưng 10 năm vẫn chưa thay đổi. Đây cũng là lý do khiến nhà khoa học "không thể trung thực, phải nói dối".

Nhiều nhà khoa học khác bức xúc khi Thông tư 55 trả công theo ngày lao động, tức là cào bằng trong nghiên cứu. Chủ nhiệm đề tài bỏ công sức gấp 5 lần kỹ thuật, nhưng cách tính hệ số ngày công không thể hiện được đặc thù trong nghiên cứu khoa học.

Các nhà khoa học kiến nghị Việt Nam nên vận dụng theo phương pháp quản lý quốc tế vào hoạt động xây dựng dự toán, thanh quyết toán nhiệm vụ như Quỹ Nafosted đã làm. Cấp chủ quản phê duyệt dự toán đề tài nhiệm vụ khoa học chỉ phê duyệt mấy dòng chi ngân sách: nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao, mua sắm thiết bị, đoàn ra đoàn vào..., sau đó trao cho đơn vị toàn quyền chủ động quyết định khoản chi. Cấp trên quản lý sản phẩm của đề tài.

Quá trình phê duyệt đề tài tốn nhiều thời gian

Nhiều nhà khoa học bức xúc khi chương trình nghiên cứu không hoàn thành nhiệm vụ, do quá trình phê duyệt đến khi cấp kinh phí chậm nên nhóm nước ngoài đã công bố trước.

Ông Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Địa chất cho biết, từng bị lỡ cuộc khảo sát thực địa biển vì mất hai tháng đấu thầu. "Đáng lẽ tháng 4-5 biển lặng, thích hợp để khảo sát, nhưng chúng tôi phải chờ đến năm sau mới thực hiện do vướng thủ tục trong phê duyệt", ông nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Kỳ, Phó chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên 2016-2020, cũng cho rằng thời gian từ khi đề xuất đến lúc được triển khai kéo dài hàng năm hoặc hơn. Điều này làm giảm tính thời sự, giảm hiệu quả các đề tài khoa học.

Giới nghiên cứu kiến nghị cần đơn giản hóa, loại bớt các văn bản, biểu mẫu, thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào nội dung khoa học. Bên cạnh đó cần linh hoạt khi nhiệm vụ nghiên cứu có những vấn đề đột xuất, phát sinh.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần công khai các công trình nghiên cứu khoa học.
 

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ giải quyết vướng mắc 

Tiếp thu ý kiến của giới khoa học, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết thời gian qua Bộ đã phối hợp ban ngành đơn giản hóa, cắt giảm nhiều thủ tục trong quá trình phê duyệt đề tài nghiên cứu. Các vướng mắc về cơ chế tài chính như nhà khoa học phản ánh sẽ dần được giải quyết trong thời gian tới. 

Bộ sẽ đẩy mạnh tự chủ trong tổ chức khoa học công nghệ, sửa các yêu cầu, quy trình nghiệm thu đề tài, thủ tục thanh quyết toán cho phù hợp. Bộ cũng đang thực hiện các công việc hướng tới công khai, minh bạch toàn bộ nghiên cứu, xây dựng thành phần hội đồng nghiệm thu đề tài theo chuẩn quốc tế. 

Bộ đang tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về đăng ký, lưu giữ kết quả khoa học trên toàn quốc, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ thực hiện chức năng thông tin khoa học toàn quốc, công bố trực tuyến.

Minh bạch trong nghiên cứu phê duyệt đề tài

Chia sẻ những vướng mắc của nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các bộ ngành thời gian qua đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho giới khoa học nhưng thực tế giữa mong muốn và thực hiện vẫn có khoảng cách.

Phó Thủ tướng yêu cầu hệ thống phải siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra xem nhiệm vụ làm đến đâu; đồng thời phải tổ chức đối thoại để nhìn ra vấn đề khó khăn cần giải quyết. "Việc đăng ký, nghiên cứu và nghiệm thu đề tài cần công khai minh bạch. Việc làm này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, ngân sách bởi các nhà khoa học sẽ biết đề tài nào nghiên cứu rồi có thể nghiên cứu tiếp, nghiên cứu sâu hơn hoặc làm theo hướng mới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Với vướng mắc về định mức kỹ thuật, đơn giá, Phó thủ tướng đề nghị các nhà khoa học phản ánh cụ thể với Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó nêu rõ từng điểm sửa, sửa thế nào cho phù hợp. 

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/nha-khoa-hoc-phan-anh-bat-cap-trong-quyet-toan-de-tai-voi-bo-truong-3735250.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 3845

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)