Thứ tư, 11/04/2018 19:00 GMT+7

Đối thoại với nhà khoa học: Tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức buổi “Đối thoại với các nhà khoa học để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học”. Ủy viên Trung ương Đảng (UVTW), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự buổi Đối thoại.

Toàn cảnh buổi đối thoại.
 

Cùng dự có các đồng chí: UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; UVTW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng; cùng các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Nhà khoa học thẳng thắn chia sẻ

Tại buổi đối thoại, các nhà khoa học đã chia sẻ thẳng thắn, cởi mở các vướng mắc, khó khăn khi triển khai các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học. Đồng thời đề xuất với Phó Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan các vấn đề về cơ chế, chính sách tài chính cho hoạt động KH&CN; quy trình xét, phê duyệt đề tài; ứng dụng và triển khai công nghệ; xây dựng lực lượng cán bộ KH&CN... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đầu tư của nhà nước đối với KH&CN.

Thực tế, mặc dù đầu tư Ngân sách Nhà nước cho KH&CN đã được ưu tiên nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ với nhu cầu phát triển, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong khi trên thế giới, mức độ đầu tư cho KH&CN của Việt Nam thuộc mức thấp, cả về tổng mức tuyệt đối và cường độ trên đầu cán bộ nghiên cứu. Trung bình kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên một cán bộ nghiên cứu của Việt Nam hiện nay chỉ tương đương 50% so với Thái Lan, 25% so với Malaysia, 15% so với Trung Quốc và Singapore, 10% so với Hoa Kỳ.

Việc đầu tư từ Ngân sách Nhà nước cho các tổ chức KH&CN còn dàn trải, chưa thực sự chú trọng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các tổ chức KH&CN trong một số ngành, lĩnh vực lợi thế của Việt Nam cần ưu tiên phát triển để hình thành một số tổ chức KH&CN mạnh đạt trình độ khu vực và quốc tế. Với cách đầu tư như hiện nay, Việt Nam khó có được hạ tầng KH&CN, tổ chức KH&CN, phòng thí nghiệm có tầm cỡ khu vực và quốc tế, có năng lực đồng hành và hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả. Do vậy cần phải có các giải pháp vừa tăng cường hiệu quả nguồn đầu tư hiện có vừa mở rộng, tăng cường xã hội hóa đầu tư cho tiềm lực KH&CN.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Hiện công tác quản lý các đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu theo Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng Ngân sách Nhà nước và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai đã phát sinh một số khó khăn, bất cập. Các nhà khoa học cho rằng các quy định còn chưa sát với thực tế triển khai nghiên cứu; thời gian triển khai từ ý tưởng khoa học đến phê duyệt thực hiện và chuyển giao ứng dụng còn dài, có nguy cơ hành chính hóa nghiên cứu khoa học; còn thiếu sự tin tưởng ủng hộ của cơ quan quản lý đối với nhà khoa học khi thực hiện nhiệm vụ; phương pháp xác định theo công lao động là chưa hợp lý;...

Ông Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 2016 – 2020 cho rằng, “với hơn 40 năm công tác trong ngành khoa học, tôi đánh giá KH&CN giai đoạn hiện nay khá cở mở, đánh giá cao việc nhà nước đã tiếp cận với các nhà khoa học với việc ra đời Luật KH&CN sửa đổi, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi. Thời gian chỉnh sửa các văn bản cho phù hợp thực tiễn cũng rất kịp thời, rút ngắn được đáng kể thời gian cho người làm khoa học. Quá trình đăng ký đề tài mặc dù đã được tháo gỡ, thông quan nhiều thông tư, nghị định nhưng việc đăng ký đề tài đôi khi còn dài làm mất đi tính thời sự của, nóng hổi, đam mê của các nhà khoa học.

PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ, “tôi rất vui mừng khi thấy Chính phủ hiện nay đã rất quan tâm đến KH&CN, tích cực tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Đây cũng là một động lực cho các nhà khoa học”. Thông tư 55 đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhà khoa học, tuy nhiên, trong thời gian tới, Nhà nước nên có chính sách có tính đặc thù cho vùng sâu, vùng xa để giải quyết triệt để các vấn đề đặt ra.

Nhiều giải pháp khả thi, thiết thực
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Doanh nghiệp hiện được coi là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. 
 

Phát biểu tại buổi Đối thoại, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chia sẻ ý kiến về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN với các nhà khoa học. Đồng thời cho rằng, chúng ta đã trải qua nhiều chặng đường và hiện đang tập trung cao độ để giải phóng sức lao động và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà khoa học. Chặng đường trước đây chủ yếu là đối tượng tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, bây giờ xoay trục sang các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có nghĩa là bắt đầu đến nghiên cứu ứng dụng, và tất cả các hoạt động liên quan khi gắn với doanh nghiệp sẽ đặt ra những nền tảng rất quan trọng. “Đây là quá trình nỗ lực rất dài. Từ phía Bộ KH&CN, cơ quan quản lý chúng tôi rất cảm ơn đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Giáo sư, nhà khoa học đã tham dự buổi đối thoại hôm nay để tiếp tục chặng đường, đưa ra những vấn đề để có thể tháo gỡ được”, Bộ trưởng nói.

Về các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng cho biết, có những nội dung vướng ở cấp thông tư đều đã được giải quyết, hay ở cấp độ Luật thì Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã phối hợp rất chặt chẽ phải tháo gỡ, gốc là phải tháo gỡ được tài chính công. Hiện các Luật sửa đổi đều đã đảm bảo theo dõi được tài sản theo 2 điểm: việc đầu tư cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, máy móc trang thiết bị và kết quả nghiên cứu. Chúng ta tạo thành 1 hệ thống rất kín, theo dõi tiếp thương mại hóa thế nào, phân chia ra sao. Tinh thần này Luật KH&CN (sửa đổi) và Luật CGCN (sửa đổi) đã đề cập đến. Còn những gì vướng mắc chúng tôi tiếp tục lắng nghe để tiếp tục tháo gỡ ngay với tinh thần như vậy.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Bộ KH&CN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, hiện đã triển khai thành công ở khối nghiên cứu khoa học cơ bản. Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia là ví dụ. Cộng đồng khoa học đã đánh giá ở 2 khối công nghệ và khoa học xã hội đều có sự đổi mới rõ rệt, trong đó có cơ chế khoán. “Đối với khối nghiên cứu ứng dụng và doanh nghiệp, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ. Có thể khẳng định, chúng ta đang đi đúng chặng đường trong bối cảnh hội nhập. Chúng tôi sẽ phối hợp với các Bộ ngành rà soát tất cả các hoạt động, kể cả đầu tư tiềm lực cho KH&CN, xác định tập trung trọng tâm trọng điểm nào. Còn những gì cần điều chỉnh thì chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi đối thoại. 
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện nhiệm vụ khoa học thời gian qua. Phó Thủ tướng xác định trong công tác khoa học, điều cốt lõi đối với các nhà khoa học là quyền tự chủ về chuyên môn, cùng với đó là tự chủ về tài chính, bộ máy và nhân sự. 
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần rà soát các cơ chế liên quan đến quyền tự chủ cho các nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cần có những cơ chế, giải pháp để có kinh phí bổ sung hoặc lập báo cáo về quy định tỷ lệ dự phòng đặc thù cho khoa học trong thực hiện đề tài, nhất là những đề tài bổ sung gấp rút theo đúng tình hình mới. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quy trình đăng ký nghiệm thu đề tài khoa học phải công khai minh bạch, tránh chồng chéo trong nghiên cứu và thực hiện đề tài khoa học, phải làm rõ tính thực tiễn của Đề tài khoa học sau khi được nghiệm thu.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN, Bộ Tài chính nghiên cứu thêm cơ chế chính sách để vấn đề sở hữu trí tuệ, tài sản trong quá trình hoạt động khoa học để mang lại hiệu quả cho các đơn vị, cơ sở khoa học nghiên cứu ra đề tài. Đồng thời, có cơ chế mạnh hơn để các chủ nhiệm đề tài có thể ký hợp đồng với những người làm khoa học ngoài biên chế tham gia nghiên cứu khoa học. 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4272

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)