Thứ tư, 11/04/2018 09:05 GMT+7

Họp báo Quý I/2018: Bộ KH&CN giải đáp nhiều vấn đề thời sự, báo chí quan tâm

Cơ chế đặc thù cho Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), tiến độ và giải pháp để VKIST phát triển bền vững; Việt Nam đã sẵn sàng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Hoạt động trọng tâm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam năm 2018; hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia;… Đó là những vấn đề được các nhà báo, phóng viên đề cập đến tại buổi Họp báo thường kỳ Quý I/2018 do Bộ KH&CN tổ chức chiều ngày 10/4, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Công Tạc.

Tổ chức nhiều sự kiện quan trọng

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi Họp báo.
 

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã thông tin về một số văn bản pháp quy do Bộ chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ và ban hành. Thứ trưởng cũng đã điểm lại những sự kiện nổi bật đã được tổ chức trong quý I như: chính thức khởi động Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá”; hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018; ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018-2025 với tỉnh Quảng Nam; Ngày hội đầu tư “Demo Day 2018”; lễ Khánh thành Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý KH&CN trực thuộc Bộ KH&CN Lào và ký Biên bản bàn giao giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào; Lễ động thổ xây dựng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST);…

Đặc biệt, có thể kể đến một số sự kiện đã được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm đặc biệt như: Ngày 19/3/2018, tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về 4 nhóm vấn đề: Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng KH, CN thúc đẩy tăng năng suất lao động và ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri hài lòng và đánh giá cao các câu trả lời của Bộ trưởng.  

Cùng với đó, trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Bộ KH&CN phối hợp với một số tổ chức KH&CN hàng đầu của Australia tổ chức sự kiện trình diễn Đổi mới sáng tạo với chủ đề: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp, cơ hội mới cho Australia và Việt Nam”. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Phạm Đại Dương đã ký hai biên bản ghi nhớ hợp tác với hai Tổ chức hàng đầu của Australia (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia – CSIRO và Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia – ACIAR) dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng; Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Bộ KH&CN Việt Nam đã ký Ý định thư hợp tác với Tập đoàn Airbus Defence và Space SAS, Cộng hòa Pháp về công nghệ vũ trụ; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI) trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; ngày 26-2-2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. Đây là kết quả từ nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện từ năm 2015 “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não” do GS.TS Mai Hồng Bàng làm chủ nhiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là cơ quan chủ trì;...

Thứ trưởng cho biết, dự kiến trong Quý II/2018, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các sự kiện, hoạt động theo kế hoạch, đặc biệt là chuỗi sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5): Kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4; Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2017; Ra mắt Học viện KH, CN và Đổi mới sáng tạo; hội nghị Giao ban KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; hội nghị Giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ; Lễ trao Giải thưởng sáng kiến vì cộng đồng; Lễ trao Giải thưởng báo chí về KH&CN 2017; Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Hội nghị thường niên lần thứ 16 Liên hợp Thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN;...

Cơ chế đặc thù cho VKIST
 

Toàn cảnh buổi Họp báo.
 

Tại buổi họp báo, liên quan đến câu hỏi của phóng viên về cơ chế đặc thù cho nhà khoa học, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, Bộ cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã thống nhất cơ chế đặc thù về lương cho nhà khoa học thuộc VKIST để thu hút những người giỏi về làm việc. Dù không có ngay cơ chế ngang bằng với các viện nghiên cứu trên thế giới, nhưng cán bộ VKIST sẽ được hưởng mức lương cao gấp 2 lần so với thông thường từ Ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, phía Hàn Quốc đã thống nhất giai đoạn đầu sẽ hỗ trợ lương cho nhà khoa học. Như vậy, làm việc ở VKIST, nhà nghiên cứu nhận được hai khoản hỗ trợ, một là từ ngân sách Việt Nam và hai là từ Hàn Quốc.

Thời gian qua, ông Kum Donghwa đã kết nối nhiều chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc và thế giới sang Việt Nam tập huấn cho không chỉ cán bộ Bộ KH&CN mà còn có những đơn vị liên quan. Viện trưởng có triết lý xây dựng Viện tương đối bài bản và chỉn chu trong tuyển người và đào tạo.

Về tiến độ xây dựng VKIST, Chánh văn phòng Bộ cho biết, dự án diễn ra theo đúng tiến độ. Do đây là dự án có hỗ trợ của nước ngoài nên trải qua nhiều giai đoạn ở hai quốc gia. Riêng phía Hàn Quốc việc bố trí vốn, xây dựng dự án và trình lên Quốc hội phê duyệt đã mất khoảng 2-3 năm. Tiếp đó là xây dựng, tìm người thiết kế, phê duyệt thiết kế cũng mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, lựa chọn viện trưởng, cơ chế tài chính.

Tiếp sức phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trọng tâm của hoạt động sở hữu trí tuệ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho biết, chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 2018 (IP Day) là "Tiếp sức sự thay đổi, phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo”. Cục SHTT sẽ tổ chức chuỗi hoạt động gồm các hội thảo, tọa đàm xoay quanh chủ đề này. Một trong những sự kiện cộng đồng quan trọng sẽ được các cơ quan liên quan dự kiến tổ chức vào ngày 21/4 tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) nhằm lôi cuốn công chúng, giới trẻ quan tâm tới sở hữu trí tuệ, lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác lập và tôn trọng quyền SHTT.

Đây là sự ghi nhận đối với nữ giới bằng những đóng góp của mình trong các hoạt động đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, sự kiện cũng huy động sự tiếp sức của cộng đồng nhằm giúp phụ nữ ngày càng tham gia sâu hơn, qua đó khai thác năng lực, khẳng định vai trò, giá trị của phụ nữ với đổi mới sáng tạo, ông Lâm nói.
Cung cấp thêm thông tin, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, SHTT là vấn đề rất lớn hiện nay. Khi Việt Nam đàm phán tham gia các hiệp định thương mại, SHTT là một trong những vấn đề nóng và khó khăn nhất. Theo Thứ trưởng, vào năm 1975, tổng tài sản của 500 công ty lớn nhất nước Mỹ thì tài sản vô hình chỉ khoảng 18-19%. Tuy nhiên, tới 2015, tỷ lệ này là ngược lại. Điều này cho thấy, tài sản của các doanh nghiệp, quốc gia trên thế giới có sự thay đổi căn bản khi KH&CN phát triển.

Vấn đề SHTT ở Việt Nam được Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm. Hiện, Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia giai đoạn 2018-2030 và đang xin ý kiến của các cơ quan liên quan với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, để Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo hơn nữa, Thứ trưởng cho biết thêm.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Chánh Văn phòng Bộ và đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã giải đáp nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành như: Việt Nam đã sẵn sàng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hoạt động trọng tâm chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam; hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp; hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ; trọng tâm công tác thanh tra chuyên đề năm 2018;… Thứ trưởng Phạm Công Tạc mong muốn thời gian tới, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành cùng Bộ để thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, phản ánh đầy đủ, trung thực những lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4347

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)