Thứ tư, 22/11/2017 15:45 GMT+7

Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Australia

Thông qua buổi tọa đàm, Đại sứ quán Australia sẽ trao đổi, tìm hiểu về nội dung, nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực truyền thông của các nhà báo khoa học và công nghệ (KH&CN) để thiết kế chương trình hỗ trợ dài hạn cho hoạt động truyền thông khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngày 22/11, với sự tài trợ của Đại sứ quán Australia, tại Khu CNC Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN, Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Australia" nhằm thúc đẩy hoạt động truyền thông khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, thông qua tọa đàm, Đại sứ quán Australia sẽ trao đổi, tìm hiểu về nội dung, nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực truyền thông của các nhà báo KH&CN để thiết kế chương trình hỗ trợ dài hạn cho hoạt động truyền thông khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. 
 


Toàn cảnh buổi tọa đàm


 

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc nhấn mạnh: Hoạt động nghiên cứu triển khai cơ bản biến từ tiền thành tri thức, còn hoạt động đổi mới sáng tạo cơ bản biến từ tri thức thành tiền. Vì vậy, để biến các kết quả nghiên cứu, tiếp cận được thị trường và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm trong tình hình mới, thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Australia sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới. 

 

Nhà báo Hà Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN Việt Nam cho rằng, đây là hoạt động chuyên môn rất nên được duy trì nhằm nâng cao hiểu biết của các nhà báo về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. “Các nhà báo KH&CN sẵn sàng đồng hành cùng với Bộ KH&CN trong các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam”.

 

Cũng tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Kelly Strzepek, đại diện đổi mới sáng tạo, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam khẳng định, truyền thông KH&CN có vai trò quan trọng và là "gốc" của vấn đề, bởi vấn đề lớn nhất trong truyền thông là việc "ảo tưởng" nó đã được thực hiện.
 

Cũng theo Tiến sĩ Kelly Strzepek, cần đề ra chiến lược truyền thông và mục tiêu truyền thông để đạt được kết quả đề ra. Trong bối cảnh người dân ít có thời gian đọc tin và đọc tin nhanh nên vấn đề đặt ra phải truyền thông nhanh, gọn và chính xác. Tuy nhiên, các báo "hấp dẫn" lại không đưa thông tin sâu về khoa học, còn báo viết về các vấn đề sâu, hàn lâm trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lại không hấp dẫn, vì vậy nhà báo KH&CN có vai trò rất quan trọng trong việc đưa thông tin đến bạn đọc và đặc biệt lưu ý việc truyền thông KH&CN không chỉ đơn thuần là đưa thông tin mà vẫn phải gắn liền với vấn đề chính trị.

 

Tại buổi tọa đàm, các nhà báo viết về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã nêu ra thực tế cũng như những khó khăn trong công tác truyền thông... Qua tọa đàm, từ kinh nghiệm của Australia cho thấy, cần phải thay đổi liên tục cách thức truyền thông để hấp dẫn độc giả, hay nói một cách khác cùng một câu chuyện, người viết sẽ kể câu chuyện theo nhiều cách.


Một số hình ảnh tại tọa đàm:


Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát biểu tại tọa đàm



Nhà báo Hà Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà báo KH&CN Việt Nam phát biểu tại tọa đàm



Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc,Tiến sĩ Kelly Strzepek chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà báo



Tiến sĩ Kelly Strzepek – diễn giả của tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Australia"



Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tặng quà lưu niệm Tiến sĩ Kelly Strzepek – diễn giả của tọa đàm

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3356

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)