Thứ ba, 03/10/2017 15:07 GMT+7

Kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu: Hậu kiểm chứ không buông lỏng

Thông tư 02/2017/TT-BKHCN (Thông tư 02) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và để hiểu rõ hơn về những thay đổi này, phóng viên báo Chất lượng Việt Nam Online đã có trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL).

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh

 

Thưa ông, Thông tư 02 (hiệu lực từ ngày 15/5/2017) có những điểm tháo gỡ gì cho doanh nghiệp đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Trước đây, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa tuân thủ theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Trong luật có đưa ra các khung cụ thể để triển khai quản lý sản phẩm hàng hóa, trong đó có nhiều sản phẩm hàng hóa phải thực hiện tiền kiểm chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu trước khi cho phép vào lưu thông trên thị trường.

Chính vì vậy, trong những năm vừa qua các quy định một phần tạo ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi nhập khẩu liên quan đến thời gian lưu kho, bãi, liên quan đến các thủ tục hành chính phải thực hiện theo quy định kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Tổng cục TCĐLCL cũng đã tham mưu cho Bộ KH&CN ban hành Thông tư 02 với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm, đặc biệt là biện pháp hậu kiểm để tạo ra khung pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó để có những biện pháp quản lý cụ thể cho từng nhóm sản phẩm hàng hóa do bộ ngành phụ trách. Đặc biệt làm rõ phương thức hậu kiểm thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiếm của các Bộ ngành.

Công tác hậu kiểm đối với hàng hoá, xuất nhập khẩu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng liệu có tạo sự buông lỏng trong quản lý chất lượng hàng hoá hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Rõ ràng là công tác tiền kiểm sẽ chặt chẽ hơn so với hậu kiểm. Tiền kiểm thì doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm hàng hóa phải phù hợp với tất cả các quy định của pháp luật trước khi lưu thông. Còn đối với hậu kiểm, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một phần trước, sau đó được thông quan ngay. Thực hiện theo biện pháp quản lý mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp.

Tôi cho rằng đây không phải là sự dễ dãi hay buông lỏng mà trong quá trình kiểm tra nhập khẩu mà là tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp nhất cho doanh nghiệp thực thi các quy định của pháp luật. Đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng. Nhà nước sẽ thực hiện việc hậu kiểm và đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
 

Các sản phẩm đồ chơi trẻ em, điện - điện tử, thép, mũ bảo hiểm sẽ được chuyển sang hậu kiểm khi nhập khẩu.

 

Vậy, công tác hậu kiểm có khó khăn gì đối với cơ quan quản lý?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Sau khi chuyển sang cơ chế mới thì ít nhiều cũng xảy ra những khó khăn nhất định, đặc biệt là số lượng công chức thực hiện các công việc ở lĩnh vực này cũng tương đối rộng và để chuyển từng chủ trương từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng cần có thời gian. Đương nhiên là sẽ có khó khăn nhưng không phải có những khó khăn đó mà chúng ta không làm hoặc giữ các biện pháp chặt chẽ mà không tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Những khó khăn sẽ có những nội dung cụ thể và những vướng mắc sẽ được từng bước xử lý.

Mục tiêu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đặt ra trong công tác cải cách hành chính là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra, chuyển mạnh sang hậu kiểm và giảm tối đa số lượng hàng hóa phải kiểm tra chất lượng tại khâu thông quan để bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15%, Tổng cục TCĐLCL đã tham mưu cho Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.

Theo đó, chỉ có duy nhất xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) là áp dụng biện pháp tiền kiểm; tất cả sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 còn lại (thép, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện-điện tử, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy) đã được chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm.

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 3526

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)