Thứ năm, 18/05/2017 18:05 GMT+7

Khoa học và Công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Trong 20 năm qua, nền kinh tế - xã hội Việt Nam có phát triển nhanh nhưng chưa thực sự khai thác hết tiềm năng vốn có. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng kết quả vẫn ở mức thấp của thế giới. Do đó, một trong những giải pháp chính để phát triển nền kinh tế - xã hội, nhất là hiện nay Việt Nam đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải đặt mối quan tâm đúng mức đến Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và lấy doanh nghiệp là trung tâm của nghiên cứu.

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 18/5/2017 tại Hà Nội. Đây là sự kiện lớn nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5.

 

Toàn cảnh Lễ trao giải

 

Tham dự buổi Lễ có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt; nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Phạm Công Tạc, cùng các thành viên thuộc Ban Tổ chức giải thưởng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong cả nước.

Tới dự Lễ trao giải còn có các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các đồng chí đại diện cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đặc biệt, tham dự Lễ trao giải còn có GS. TS. Pierre Darriulat, người đã đồng hành cùng Giải thưởng Tạ Quang Bửu suốt 3 năm qua; các nhà khoa học nhận giải thưởng năm 2017 cùng nhiều doanh nghiệp, cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

 

KH&CN là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày 18/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, Phó Thủ tướng luôn theo dõi sự phát triển của KH&CN, mỗi năm đến Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, ông lại ngồi xem lại trong năm vừa qua, giới KHCN đã làm được những gì và tới đây sẽ phải làm gì để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội như các văn bản của Đảng, Chính phủ và tất cả mọi người vẫn nói. Phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên phát triển KH&CN, Không phát triển KH&CN, Việt Nam sẽ tụt hậu.

 


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ trao giải thưởng

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, thời gian qua ngành KH&CN đã kế thừa được những thành tựu KH&CN của những năm trước và đã có những nỗ lực, đổi mới đáng mừng. KH&CN đã thu hút được nhiều nhà khoa học trẻ, nhà khoa học không chuyên đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu,…

Phát triển KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo đã khẳng định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong những năm gần đây, Bộ KH&CN đã nỗ lực trong các hoạt động của mình nhằm thúc đẩy môi trường, nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển. Hiện nay, cùng với các chính sách khen thưởng ưu đãi của Nhà nước, việc trao tặng giải thưởng về KH&CN đã động viên các nhà khoa học Việt Nam có những đóng góp to lớn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ trao giải

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng cho biết, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản, văn kiện quan trọng  khẳng định KH&CN là động lực, là cấu thành quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghiên cứu cơ bản được coi là một yếu tố quan trọng để chúng ta quan tâm đến chất lượng, tăng cường hiệu quả, thông qua đó chúng ta duy trì được môi trường nghiên cứu, và đặc biệt hơn là một môi trường đào tạo thực sự đỉnh cao. Đó cũng là những yếu tố sống còn giúp chúng ta tạo ra được lực lượng khoa học có thể tham gia ngay vào phát triển nền kinh tế đất nước.

Điều đó được thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 20 về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, tinh thần chung khá nhiều nội dung đều nhấn mạnh tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nghiên cứu cơ bản như: tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu hoạch định đường lối chính sách để phát triển đất nước, quan tâm đến nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, ưu tiên một số lĩnh vực khoa học tự nhiên mà Việt Nam có lợi thế, đặc biệt xây dựng một số Chương trình nghiên cứu cơ bản trong một số lĩnh vực như Toán, Vật lý, khoa học sự sống, …

Mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ cũng đã có những đầu tư đáng kể cho nghiên cứu cơ bản. Nhằm phát triển mạnh hơn nữa nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam, ngày 24/03/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020. Gần đây nhất, ngày 25 tháng 4 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025.

Doanh nghiệp là trung tâm của nghiên cứu

Phó Thủ tướng cho rằng, trong 20 năm qua, nền kinh tế - xã hội Việt Nam có phát triển nhanh nhưng còn nhiều yếu kém. Chúng ta đã cải thiện được môi trường kinh doanh nhưng kết quả vẫn ở mức thấp của thế giới. Do đó, làm sao vươn lên, nhất là lúc này chúng ta đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nên quan tâm đến những việc thiết thực nhất là đặt mối quan tâm đúng mức đến KH&CN,  KH&CN phải là nguồn động lực thực sự.

Để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội thì trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp hay Chính phủ và của toàn xã hội và cần một giải pháp đồng bộ từ chính sách, tài chính,…, đặc biệt có cơ chế thu hút doanh nghiệp không chỉ quan tâm mà còn tham gia vào nghiên cứu từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra sản phẩm nghiên cứu- doanh nghiệp phải là trung tâm của nghiên cứu.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, được tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng trong việc rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động. Về chức năng quản lý, Bộ KH&CN có 3 mặt trận song hành với doanh nghiệp gồm: Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (liên quan đến toàn bộ chất lượng sản phẩm hàng hóa để cạnh tranh); sở hữu trí tuệ; công nghệ.

Bộ trưởng khẳng định, với tinh thần coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo - có nghĩa nhà nước, chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học tập trung kết nối tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, ngành KH&CN đã chuyển động theo hướng quản lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, về thể chế, hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cơ bản đã đáp ứng được thông lệ quốc tế. Riêng Luật Chuyển giao công nghệ đang được Bộ KH&CN hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba tới. “Đây sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, hiệp hội có thể tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu công nghệ trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Bên cạnh việc đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, trong thời gian qua Chính phủ, Bộ KH&CN đã dành mối quan tâm đáng kể cho nghiên cứu cơ bản, tạo cơ chế cho nghiên cứu cơ bản đến gần hơn với ứng dụng và thương mại hóa và lấy doanh nghiệp là trung tâm.

Những năm gần đây,  Chính phủ, Bộ KH&CN đã triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản, hỗ trợ cán bộ khoa học, tài trợ nhiều đề tài nghiên cứu trong các ngành Toán học, Khoa học thông tin và máy tính, Vật lý, Hóa học, Khoa học về Trái đất và môi trường, Sinh học Nông nghiệp, Y sinh Dược học, Cơ học… Mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ cũng đã có những đầu tư đáng kể cho nghiên cứu cơ bản. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao giải thưởng cho 2 nhà khoa học


Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ KH&CN tổ chức trao vào ngày 18/5 tại Hà Nội là một trong những minh chứng cho điều này. Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã phê duyệt trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cho hai nhà khoa học có công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực Toán học và Hóa học. Đó là, PGS.TS. Nguyễn Sum, tác giả công trình “On the Peterson hit problem” được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cho biết, bài toán hit của Peterson là bài toán tìm tập sinh cực tiểu của đại số đa thức được xét như module trên đại số Steenrod. Đây là bài toán mở từ năm 1987, nó được Frank Peterson, Reg Wood và Masaki Kameko nghiên cứu và giải tường minh đối với đại số đa thức không quá 3 biến.

 

PGS. TS. Nguyễn  Sum phát biểu tại Lễ trao giải

 

Công trình thứ 2 được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 là công trình nghiên cứu về Hóa học "Giao H. Dang, Thinh T. Dang, Dung T. Le, Thanh Truong, Nam T. S. Phan, 2014. Propargylamine synthesis via sequential methylation and C-H functionalization of N-methylanilines and terminal alkynes under metal-organic-framework Cu2(BDC)2(DABCO) catalysis, Journal of Catalysis, Vol. 319, 258–264" của GS. Phan Thanh Sơn Nam.  Nội dung công trình này tập trung vào việc nghiên cứu sử dụng vật liệu khung hữu cơ - kim loại làm xúc tác cho phản ứng điều chế các hợp chất họ propargylamine theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết cacbon – hydro. Các hợp chất chứa cấu trúc propargylamine có nhiều ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực hóa dược, hóa chất nông nghiệp, vật liệu chức năng. Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methylaniline chưa từng được thế giới công bố trước đó. Đặc biệt, tất cả các công bố ISI của nhóm nghiên cứu đều được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam, với toàn bộ tác giả là người Việt Nam.

 

GS. TS. Phan Thanh Sơn Nam phát biểu tại Lễ trao giải

 

 

Tiếp tục thực hiện tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay, nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn có hạn chế, dành 2%  tổng chi ngân sách nhưng nếu sử dụng tốt thì sẽ có hiệu quả tốt. Để hoạt động nghiên cứu KH&CN được đẩy mạnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chú trọng một số vấn đề như công khai minh bạch tất cả các khâu trong nghiên cứu từ đầu vào đến đầu ra; truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên trẻ mới ra trường tinh thần lập nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp; Nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về KH&CN qua việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin, để KH&CN đến gần gũi hơn từ nhà quả lý, nhà khoa học đến người nông dân bình thường.

Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, toàn ngành KH&CN cần tiếp tục thực hiện tinh thần, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; các chủ trương chính sách phát triển KH&CN được tiếp tục bổ sung trong Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII về phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Chuyển giao công nghệ trong kỳ họp tháng 6/2017 với mục tiêu vừa quản lý hiệu quả, vừa thúc đẩy được hoạt động chuyển giao, đổi mới ứng dụng công nghệ và phát triển thị trường công nghệ của đất nước. Luật được thông qua cũng đặt ra nhiều thuận lợi và cả thách thức mà chúng ta cần đồng tâm, nhất trí thực hiện để hiệu quả. Riêng lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chúng ta cần tập trung thực hiện Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội mà trực tiếp là đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực KH&CN Vũ Đức Đam, để chào mừng Ngày 18-5, bên cạnh Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu hôm nay, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực an ninh quốc phòng hôm qua, Bộ đã hoàn thành và Phó Thủ tướng đã ký phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Đây là nhiệm vụ nhằm cung cấp thông tin cho các nhà khoa học và tới đông đảo người dân, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tập trung cao độ trí tuệ, tâm huyết để xác định được các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, tạo môi trường chính sách thực sự thuận lợi, lành mạnh, dỡ bỏ các rào cản và giải phóng tối đa niềm tăng sáng tạo của lực lượng KH&CN để gia tăng hiệu quả và tác động của hoạt động KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp tục nỗ lực, say mê lao động sáng tạo để có thêm nhiều công trình KH&CN có giá trị cao về KH&CN; xây dựng và phát triển đội ngũ KH&CN trình độ cao để đảm nhiệm trọng trách mà Đảng, Chính phủ giao phó./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 8542

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)