Thứ sáu, 12/05/2017 17:10 GMT+7

Thách thức lớn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và môi trường số, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp, bởi hiện nay việc kiểm soát và xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả.

Khó xác định vi phạm

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN), thị trường thương mại điện tử Việt Nam có quy mô giá trị khoảng 4 tỷ đô la Mỹ (gần 100 nghìn tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng lên tới 22%/năm. Ước tính, trong 5 năm tới, giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Do đặc tính vô hình của quyền tác giả và phạm vi gần như vô hạn của internet, các trang web thường xuyên xuất bản các tác phẩm được bảo vệ quyền tác giả mà chưa có sự cho phép của chủ thể. Các sản phẩm giá rẻ vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được giao dịch thông qua các trang web mua bán trực tuyến của bên thứ ba. Sự bùng nổ của internet khiến cho các tên miền ngày càng trở nên có giá trị, nhu cầu có tên miền riêng tăng, do vậy, hoạt động chiếm đoạt tên miền cũng phổ biến hơn.
 

 

Một buổi tập huấn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.

 

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN, hiện có 3 dạng hành vi vi phạm phổ biến trong môi trường số là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền và quảng cáo hàng hóa vi phạm. Ví dụ: Tên miền “cvtv.vn” của Công ty CP Truyền thông - Truyền hình Việt Nam có chứa thành phần phân biệt “cvtv” gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “VTV” của Đài Truyền hình Việt Nam; tên miền “grazia.com.vn”, “grazia.vn” trùng với nhãn hiệu GRAZIA của Arnodol Mondadori Editore SPA.

Trong thực tế, trên các trang bán hàng trực tuyến nhan nhản thông tin quảng cáo sản phẩm với chú thích rõ là hàng “nhái”. Trong khi đó, việc kiểm soát các hành vi vi phạm gặp rất nhiều vướng mắc do cơ quan quản lý khó xác định được tổ chức và cá nhân vi phạm, khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm và xác định giá trị hàng hóa xâm phạm. Bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết: Nhiều khi cơ quan chức năng tìm đến địa chỉ đăng ký thông tin trên mạng, nhưng đến nơi thì mới biết địa chỉ này là giả, hoặc đối tượng đã chuyển đi chỗ khác. Có trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử nhưng không có sự hiện diện thương mại ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử, lực lượng chức năng thiếu kinh nghiệm xử lý vi phạm, quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện. Hoạt động thanh tra còn bị chồng lấn về thẩm quyền - chủ yếu giữa Thanh tra Bộ KH&CN và Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Thêm quy định cho môi trường thương mại điện tử

Khó khăn, thách thức nói trên cho thấy sự cần thiết phải thiết lập quy trình kiểm soát các trang web giao dịch trực tuyến. Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm đề xuất: Các trang web phải áp dụng một hệ thống đăng ký đối với những người đăng ký bán hàng hóa hoặc dịch vụ để bảo đảm thông tin nhận dạng về người đó là chính xác, có thể truy xuất được địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế… Các sàn giao dịch trực tuyến cũng phải thiết lập các quy định nội bộ để giải quyết khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ hay hàng giả mạo. Trong trường hợp xác nhận đơn khiếu nại vi phạm là có cơ sở, nội dung vi phạm trên trang web phải được xóa ngay lập tức. Các trang web, sàn giao dịch trực tuyến để xảy ra việc bán hàng giả mạo tràn lan có thể bị đóng bởi nhà cung cấp dịch vụ internet liên quan (ISP). Trường hợp người sử dụng mạng có hành vi vi phạm thông qua dịch vụ mạng, chủ sở hữu có thể thông báo cho ISP và đề xuất các biện pháp khắc phục cần thiết như xóa bỏ, hạn chế truy cập hoặc ngắt kết nối. Nếu không kịp thời thực hiện các biện pháp cần thiết, ISP phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những thiệt hại.

Từ góc độ quản lý, ông Lê Ngọc Lâm cho rằng, Cục Sở hữu trí tuệ cần bổ sung quy định về sở hữu trí tuệ trong môi trường giao dịch điện tử, quy định điều kiện và nghĩa vụ để nhà cung cấp dịch vụ internet được miễn trách nhiệm pháp lý, thiết lập hệ thống thông tin dùng chung để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Ngoài ra, cần có thêm các dịch vụ hỗ trợ khác, như tìm kiếm và chặn các trang web vi phạm, thông báo cho các ISP, các sàn giao dịch trực tuyến để đóng các trang này. Tuy nhiên, trong điều kiện cần có thời gian để thiết lập khung pháp lý chặt chẽ cho môi trường số, nhiều chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng nên áp dụng linh hoạt các quy định sẵn có, ví dụ như quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ internet trung gian...


Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), ông Hoàng Văn Trực nhấn mạnh tới sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát kinh tế với các lực lượng chức năng khác bởi thực tế cho thấy, hiện nay, trên mạng không chỉ rao bán hàng hóa thông thường mà còn có cả vũ khí nóng, ma túy, tiền giả… Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tổ chức các lớp tập huấn về quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời có quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức để bảo đảm quyền của mình, nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng và chủ sở hữu biết khi gặp những trường hợp vi phạm.

Liên kết nguồn tin: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/868457/thach-thuc-lon-trong-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 2325

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)