Tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào sáng 11/9, trong số 10 nhà khoa học trẻ đại diện cho gần 70 gương mặt tiêu biểu được trực tiếp báo cáo, phần trình bày của TS Nguyễn Bá Hải khiến cả hội trường nhiều lần rộ lên bởi những tiếng vỗ tay cười vang và Thủ tướng cũng đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu thêm.
Nghệ thuật thuyết phục
Sinh năm 1983, TS Hải hiện đang là Giám đốc Trung tâm Dạy học số, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM. Với khả năng diễn đạt ngôn ngữ linh hoạt và tốc độ, TS Hải hút hội trường vào câu chuyện xung quanh ý tưởng nghiên cứu chế tạo kính dẫn đường cho người khiếm thị, máy pha cà phê, cho đến robot có thể dạy tiếng Anh và con đường đưa các sáng chế của mình vào cuộc sống phục vụ cộng đồng.
Phần trình bày của TS Nguyễn Bá Hải khiến cả hội trường nhiều lần rộ lên bởi những tiếng vỗ tay cười vang
Bắt đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm về sự mạo hiểm khi làm ‘mắt thần’ cho người khiếm thị, cũng như sự mạo hiểm ‘dốc’ hết số tiền có được để thỏa chí đam mê sáng tạo, TS Hải thể hiện đầy nhiệt huyết và sự đam mê.
Được đề nghị nói kỹ về sáng chế ‘mắt thần’ cho người khiếm thị TS Hải cho biết kể từ khi còn là sinh viên dự định làm nhưng đã bỏ lỡ khi đi du học. Sau khi làm tiến sĩ ở nước ngoài trở về nước năm 2010 TS Hải nghĩ tới đam mê trước đó và tiếp tục đeo đuổi.
Ý tưởng từ những con robot có thể đi trên mặt trăng, đi tới đi lui mà không cần có mắt, vậy thì sao không mạnh dạn làm cho người khiếm thị có thể đi được mà không cần nhìn? Nghĩ vậy, TS Hải ban đầu đã làm sản phẩm như một cái nón và nặng gần 2kg, chi phí sản xuất khoảng 20 triệu đồng. Nhưng đó chỉ là thỏa chí nghiên cứu.
Biết rằng ‘cơm áo không đùa với khách thơ’ và TS Hải cho rằng sản phẩm phải có người dùng. Nghĩ vậy Hải cải tiến dần và bây giờ chiếc kính chỉ còn 200 gram và giá chỉ còn 2 triệu đồng. “Anh em nói vui sản phẩm này là ‘kính mù’”, TS Hải dí dỏm.
TS Hải cho biết nhìn bề ngoài, sản phẩm giống như kính mắt thông thường nhưng thực chất là một loại kính điện tử gọn nhẹ. Trong một khoảng cách nhất định được lập trình sẵn, kính sẽ nhận diện các vật cản trái phải, trên dưới, đứng yên hay di động. Sau đó, thiết bị sẽ báo rung cho người sử dụng biết để chọn hướng đi an toàn.
Thủ tướng ‘quyết’ và yêu cầu lập dự án sản xuất kính tặng người mù
TS Nguyễn Bá Hải
Câu chuyện của TS Hải không chỉ giới thiệu được kết quả nghiên cứu của mình mà còn khéo léo lồng vào đó những khó khăn mà hầu hết các nhà khoa học đều gặp phải đó là kinh phí và tính ứng dụng.
TS Hải kể, ngay cả khi đã thành công, có sản phẩm cụ thể muốn đi tặng cho những người có nhu cầu cũng là khó.
“Ở đây dù là dùng từ hơi nặng - người mù - vì kính chỉ dành cho người hoàn toàn không còn nhìn thấy gì cũng là khó vì họ thấy em quá trẻ, chưa có uy tín, tên tuổi gì nên buộc phải thành lập một công ty hoạt động phi lợi nhuận”, TS Hải kể lại.
Và cuối cùng dự án cũng nhận được sự tài trợ của hơn 200 tổ chức, cá nhân để duy trì hoạt động. TS Hải cho biết hiện sản phẩm này được sản xuất đã tặng 1.000 chiếc phi lợi nhuận từ kinh phí của bản thân và các nhà tài trợ, hảo tâm để cùng Trung ương Đoàn tặng cho người khiếm thị nghèo ở những địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ.
Nhiều câu hỏi đã được Thủ tướng đặt ra như về giá thành và nhu cầu thực tế của sản phẩm. TS Hải cho biết anh sẵn sàng tặng sáng chế này cho xã hội, cho Nhà nước. Thậm chí nếu cần có ‘khảo sát’ về hiệu quả của sản phẩm Hải cũng có chi tiết tên, tuổi, số điện thoại người đang dung.
“Chỉ cần nhấc điện thoại lên, hỏi anh, chị đang dùng sản phẩm này thấy thế nào là sẽ nhận được câu trả lời chi tiết”, TS Hải dí dỏm ví dụ khi báo cáo với Thủ tướng.
Rất quan tâm và hào hứng với phần trình bày của TS Hải, Thủ tướng hỏi: “Có tính được nhu cầu sử dụng sản phẩm? Cần bao nhiêu tiền để sản xuất thiết bị này tặng cho những người khiếm thị tại Việt Nam?".
TS Hải cho biết: Ước tính hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người hỏng mắt hoàn toàn và khoảng 1,2 triệu người khiếm thị ở các mức độ khác nhau cần sử dụng sản phẩm này.
Trước mắt để ưu tiên cấp cho khoảng 70.000 người mù có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. Sau đó cung cấp sản phẩm với đúng giá thành sản xuất cho số người mù và khiếm thị có nhu cầu. Và với giá thành hiện nay khoảng 2 triệu đồng/chiếc, nếu sản xuất theo quy mô lớn hơn có thể giảm xuống còn 1,3-1,5 triệu đồng/chiếc.
Ngay lập tức Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bí thư TƯ Đoàn chủ trì phối hợp với TS Nguyễn Bá Hải để lập đề án cụ thể cung cấp thiết bị hỗ trợ người mù do chính người Việt Nam sản xuất.
Dù được quan tâm đặc biệt tới sản phẩm ‘mắt thần’ song TS Hải vẫn xin thêm để một chút thời gian để nói qua về kế hoạch nghiên cứu và sản xuất máy pha cà phê "made in Việt Nam" và quy trình nâng giá trị thương phẩm cho cà phê xuất khẩu của Việt Nam, kế hoạch sản xuất robot có nhiều chức năng. Trong đó có thể làm nhiệm vụ dạy tiếng Anh để sử dụng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi người học không có điều kiện tiếp cận với các hình thức học với người bản ngữ…
Vượt mức thời gian quy định với gần 30 phút, phần trình bày của TS Nguyễn Bá Hải đã cho mọi người thấy sự mạo hiểm, dấn thân làm khoa học khi dám bán xe hơi, đi thuê nhà, mượn xe máy của vợ để đi….chỉ để có tiền làm khoa học.
TS Hải cũng chứng minh một thực tế nếu khoa học đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn thì ‘hôm nay đi thuê nhà nhưng ngày sau sẽ có tiền để mua nhà”. Và không chỉ có ‘mắt thần’ được chào đón mà nói như TS Hải thì nếu văn thơ hay – nói cho các nhà khoa học xã hội – hay chỉ bài hát thôi – cũng sẽ có tiền. Vì văn thơ, kịch bản hay Hollywood có thể tìm đến mua.
Minh chứng là chiếc máy pha cà phê hiện đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mua và đặt tại một số điểm ở quận Thủ Đức (TPHCM).
“Tháng đầu em bị lỗ 72 triệu đồng nhưng đến nay đã đến điểm hòa vốn và được rất nhiều người ủng hộ”, TS Hải khéo léo quảng bá kết quả nghiên cứu của mình.