Thứ hai, 28/03/2016 15:01 GMT+7

Tọa đàm Cộng đồng doanh nhân trí thức người Việt – một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ từ ngày 16-20/3/2016, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân, đã có buổi tọa đàm với trí thức người Việt hiện việc tại khu vực bờ Tây nước Mỹ do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San...
Ngày 19/3/2016, tại Silicon Valley, Bộ trưởng đã gặp gỡ trao đổi với giới trí thức người Việt hoạt động trong lĩnh vực KH&CN. Đây là lần thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Quân có buổi gặp gỡ với nhóm trí thức người Việt tại Bay Area. Tham dự buổi tọa đàm có bà Cao Vũ Mai, Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, đoàn Bộ KH&CN có các thành viên là Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức Cán bộ, Văn phòng Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ.


Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu chào mừng các đại biểm tham dự Tọa đàm (ảnh Thanh Loan TH. Nhân dân)

Bộ trưởng đã thông báo những chính sách mới về phát triển KH&CN của Việt Nam. Những thay đổi về Luật trong lĩnh vực KH&CN khi Việt Nam thực hiện TTP như Luật Sở Hữu trí tuệ, Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ… Về hiện trạng KH&CN của Việt Nam, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2015 Việt Nam xếp thứ 52 trên 141 quốc gia/nền kinh tế, tăng 19 bậc so với năm trước. Tại khu vực Đông Nam Á, chỉ số GII của Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore (số 7 trong nhóm dẫn đầu) và Malaysia (số 32) và xếp trên Thái Lan (số 55). Mục tiêu vào top 3 Đông Nam Á là năm 2020 nhưng nay đã đạt được sớm hơn so với dự định, và những cố gắng để giữ được thứ hạng.

Về mục tiêu thu hút trí thức người Việt về nước hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2015/NĐ-CP ngày 18/5/2015 về việc thành lập Viện VKIST. Viện sẽ thực hiện cơ chế tự chủ áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi và một số cơ chế, chính sách đặc thù riêng như cơ chế đặt hàng và cơ chế tài chính đặc thù nhằm đảm bảo khuyến khích được các nhà khoa học trình độ cao là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.

Với gần 50 trí thức người Việt hoạt động trong lĩnh vực KH&CN là các giáo sư đại học đến từ những trường đại học danh tiếng của Hoa kỳ như UC Berkeley, UC Davis, Đại học Colorado, các doanh nhân chủ các hãng công nghệ tại Silicon Valley, nhân viên cao cấp trong các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Sysco, Google, GE, Facebook, phòng thì nghiệm quốc gia về hạt nhân nguyên tử tại Livermore… và với đông đảo các doanh nhân trẻ nổi tiếng trong giới start-up tại Silicon Valley.


GS. Lê Hạnh Phúc và Phạm Kim Cương trình bày tham luận tại buổi tọa đàm (ảnh Thanh Loan TH. Nhân dân)

GS. Kiều Linh và GS. Lê Hạnh Phúc thay mặt cho nhóm trí thức đến từ các viện, trường đại học trình bày những sáng kiến để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của Hoa Kỳ và Việt Nam. Tiếp theo là bài trình bày được nhiều người quan tâm của Trần Quốc Bình, người đã thành công với start-up Klout và hiện nay đang lên kế hoạch cho một quỹ hỗ trợ khởi nghiệp với tổng giá trị giải ngân có thể lên đến 10 triệu USD, tập trung dành cho các start-up có tham vọng và tiềm năng tại Việt Nam. Với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm thành công và đầu tư vào các start-up tại Việt Nam, Trần Quốc Bình muốn là cầu nối giữa start-up Việt Nam và Silicon Valley. Một gương mặt quen thuộc trong giới start-up tại Silicon Valley là Phạm Kim Cương. Cương có một thành tích đáng nể với 2 huy chương bạc tin học quốc tế, hiện đang đầu quân cho Airbnb nhưng cùng với 2 người bạn thân họ đã sáng lập trang Chọn giá đúng (chongiadung.com). Hiện nay cả 3 đồng sáng lập đều làm việc ở nước ngoài nhưng trang chongiadung.com ở Việt Nam đang hoạt động rất hiệu quả. Cương chia sẻ cũng có mong muốn về Việt Nam làm việc.

Phần sôi nổi nhất của buổi tọa đàm là trao đổi giữa các đại biểu tham dự với Bộ trưởng Nguyễn Quân và các thành viên trong đoàn công tác. Những ý kiến trao đổi rất thẳng thắn và chân thành của những trí thức người Việt luôn một lòng hướng về quê hương đất nước. Những gợi ý về các dự án hợp tác được hình thành, những thắc mắc và đề xuất của đại biểu đã được Bộ trưởng giải đáp thỏa đáng. Đây cũng là dịp để giới trí thức người Việt tại khu vực bờ Tây nước Mỹ gặp gỡ, kết nối tăng cường đoàn kết và chia sẻ ý tưởng cùng nhau góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.


Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu (ảnh Thanh Loan – TH Nhân dân)

Sillicon Valley là tâm điểm thu hút dòng người trẻ tuổi nhập cư đến từ khắp thế giới. Gần 37% những người ở Silicon Valley ngày nay được sinh ra bên ngoài của Hoa Kỳ - trong số này, hơn 60% được sinh ra ở châu Á và 20% ở Mexico. Một nửa số hộ gia đình ở Thung lũng Silicon nói một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh tại nhà. 65% của những người có trình độ cử nhân làm việc trong lĩnh vực KH&CN tại Silicon Valley được sinh ra ở một nước khác. Gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học làm việc trong tất cả các ngành trong thung lũng là người nước ngoài.

Hiện nay, tại Silicon Valley nguồn vốn cung cấp cho các doanh nghiệp trẻ chủ yếu là vốn từ các công ty đầu tư mạo hiểm. Trong năm 2014 khoảng 14,5 tỉ USD tiền vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểu đã thả vào Silicon Valley, nó chiếm 43% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm toàn liên bang. Hơn một nửa trong số vốn đầu tư mạo hiểm tại Silicon Valley là đầu tư vào các công ty phần mềm, và các công ty phần mềm ngày một gia tăng và ngày càng đông tại San Francisco. (San Francisco, đáng lưu ý là nơi đã hút gần một nửa số vốn là 14,5 tỉ USD vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm).


Lượt xem: 1275

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)