Thứ ba, 22/03/2016 08:29 GMT+7

Sự nỗ lực của Cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam trong việc hiện thực hóa các chính sách quản lý nhằm nâng cao văn hóa an ninh an toàn trong lĩnh vực an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân của quốc gia

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế xã hội trong những năm gần đây gia tăng một cách đáng kể. Thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đã và đang được ứng dụng ngày càng tăng trong công...
Một trong các ứng dụng trong công nghiệp là sử dụng nguồn phóng xạ để kiểm tra đánh giá không phá hủy tại các công trình, nhà máy…Các nguồn phóng xạ hầu hết được sử dụng là nguồn Ir-192 được dùng để chụp ảnh phóng xạ tại hiện trường. Các nguồn loại này thuộc phân loại nhóm nguồn II (theo phân loại tại Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 29/12/2010), phải áp dụng các yêu cầu bảo đảm an ninh mức B (theo quy định tại Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ). Thực tế các nguồn thuộc lĩnh vực ứng dụng này là các nguồn phóng xạ di động, có tiềm ẩn nguy cơ cao mất an ninh và an toàn, gây ảnh hướng lớn đến con người và xã hội.
Hiện tại, trong cả nước có khoản 60 cơ sở được cấp giấy phép chụp ảnh phóng xạ đang được sử dụng. Việc bảo đảm an ninh, an toàn đối với nhóm nguồn này cần phải được quan tâm đúng mức.
Thời gian gần đây đã xảy ra một số sự cố mất an ninh đối với nguồn phóng xạ sử dụng di động do nhiều nguyên nhân trong đó phải kể đến tình trạng quản lý khá lỏng lẻo của cơ sở được cấp phép, của cán bộ trực tiếp sử dụng vận hành thiết bị có chứa nguồn phóng xạ. Một số sự cố như mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ của Công ty Apave tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9-2014, vụ mất thiết bị chứa nguồn phóng xạ tại Nhà máy thép Pomina 3 ở thành phố Vũng Tàu tháng 4/2015.
Để tăng cường an ninh đối với các nguồn phóng xạ sử dụng di động, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN ngày 21/7/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ (gọi tắt là Thông tư số 13). Theo Thông tư này trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng trong thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN và phải lắp đặt thiết bị định vị nguồn phóng xạ theo yêu cầu kỹ thuật. Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2015, nếu nguồn phóng xạ dùng trong thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp đã được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trước ngày này, thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có trách nhiệm lắp đặt thiết bị định vị nguồn phóng xạ di động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.
Từ tháng 10 năm 2014 Cục ATBXHN đã thành lập tổ công tác bao gồm các cán bộ và chuyên gia kỹ thuật thuộc các đơn vị chuyên môn có liên quan trong Cục để tiến hành lập kế hoạch triển khai các quy định mới nêu trên. Học tập kinh nghiệm của hệ thống giám sát nguồn phóng xạ di động đã được thực hiện tại Hàn Quốc, cùng với tình hình quản lý nguồn phóng xạ thực tế đang diễn ra, Tổ công tác đã xây dựng các mô tả yêu cầu chức năng, yêu cầu kỹ thuật của hệ thống giám sát định vị nguồn phóng xạ sử dụng di động tại Việt Nam. Cục ATBXHN đã thông báo rộng rãi các yêu cầu kỹ thuật nêu trên tới các cơ quan/đơn vị trong nước, các đơn vị có năng lực tham gia nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ sử dụng di động tại Việt Nam.
Đáp ứng cơ bản được các yêu cầu của Hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ theo yêu cầu và đánh giá của Tổ chuyên gia tư vấn của Cục các đơn vị như: Viện Hóa học và Môi trường Quân sự; Viện Điện tử - Viễn Thông thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian tiến hành nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đã sản xuất thử nghiệm sản phẩm mô phỏng thiết bị định vị và hệ thống phần mềm quản lý. Hệ thống thử nghiệm này bước đầu đáp ứng được các yêu cầu giám sát an ninh cho các nguồn phóng xạ di động.
Sau rất nhiều thời gian nghiên cứu, trao đổi làm việc giữa nhóm chuyên gia tư vấn của Cục ATBXHN và các đơn vị có khả năng thiết kế chế tạo hệ thống định vị giám sát nguồn phóng xạ, ngày 18/03/2016 Cục ATBXHN đã cùng với các đơn vị thiết kế chế tạo tiến hành lắp đặt thử nghiệm các thiết bị định vị trong môi trường làm việc thực tế (tại các công trường, nhà kho, di chuyển trong hầm ngầm, hoạt động dưới môi trường khắc nghiệt ẩm thấp,..).


Cán bộ chuyên gia Cục, đơn vị thiết kế chế tạo, đơn vị có nguồn phóng xạ tại khu nghiệp Formosa Hà Tĩnh chuẩn bị tiến hành gắn thiết bị định vị lên thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động trong đợt triển khai lắp đặt thử nghiệm hệ thống giám sát định vị nguồn phóng xạ

Cục ATBXHN, đơn vị thiết kế chế tạo (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và các đơn vị được lựa chọn gắn thử nghiệm các thiết bị định vị trong đợt thử nghiệm này thống nhất chọn lựa các nguồn phóng xạ đang được sử dụng làm việc hoạt động ngoài công trường và có môi trường làm việc khắc nghiệt nhất, tần suất làm việc cao nhất,…để việc kiểm tra thử nghiệm có thể tiến hành đánh giá được khả năng hoạt động của thiết bị định vị cũng như hệ thống quản lý giám sát ở tất cả những tình huống mà thực tế có khả năng xảy ra.


Các cán bộ tiến hành hướng dẫn sử dụng và lắp đặt thiết bị định vị lên thiết bị chứa nguồn phóng xạ

Thời gian thử nghiệm dự kiến diễn ra từ 01 đến 02 tháng trước khi tổ chức đánh giá và hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống để đưa vào khai thác sử dụng.


Các cán bộ tiến hành lắp đặt thiết bị định vị lên thiết bị chứa nguồn phóng xạ

Trong thời gian diễn ra thử nghiệm này để có thể thương mại hóa các sản phẩm (các thiết bị định vị), Cục ATBXHN cũng đã yêu cầu các đơn vị có khả năng thiết kế chế tạo các thiết bị định vị tiếp tục hoàn thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm và phải thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm tại Sở KH&CN địa phương trước khi có thể đưa ra cung cấp cho thị trường trong nước.
Việc vận hành thử nghiệm các thiết bị định vị nguồn phóng xạ di động là bước đi cần thiết, chuẩn bị cho việc thực hiện chính thức các yêu cầu của Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN. Đồng thời đây cũng là cơ hội để Việt Nam cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ nội địa để phát triển, ứng dụng trong các hoạt động quản lý của mình. Hoạt động này sẽ là kinh nghiệm và thực tiễn tốt để chia sẻ trong các quốc gia thành viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về quản lý chặt chẽ an ninh nguồn phóng xạ.
Thực hiện hoạt động giám sát an ninh nguồn phóng xạ như trên cũng là một bước để hiện thực hóa chương trình nâng cao văn hóa an ninh tại Việt Nam, đối với các hoạt động quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức công chúng nói chung và các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ nói riêng, đáp ứng được xu thế hòa nhập của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử./.

Lượt xem: 1117

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)