Thứ hai, 07/11/2016 08:30 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng

Đề án “Nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng 2030” do ThS. Lê Thị Tố Uyên – Phó Giám đốc Sở Khoa học và...


Nhân lực KH&CN là nhân lực làm việc trong các tổ chức KH&CN, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Nhân lực KH&CN của thành phố thông qua quá trình tự đào tạo và đào tạo đang phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, thích nghi dần với nền kinh tế thị trường. Tính đến tháng 6/2015, nhân lực KH&CN Hải Phòng có 4900 cán bộ có trình độ đại học trở lên, trong đó có 248 Tiến sĩ khoa học, tiến sĩ; 1706 thạc sỹ, 2946 người có trình độ đại học. Lực lượng cán bộ này tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào việc tư vấn, phản biện, nghiên cứu và giải quyết một số vấn đề lớn, quan trọng về KH&CN, có nhiều đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và KH&CN của thành phố.
Tuy vậy, nhân lực KH&CN của thành phố vẫn còn có những hạn chế: Tỷ lệ tăng bình quân hàng năm mới chỉ đạt 9,7%/năm (chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 16/5/2013 của Thành ủy về phát triển KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là tăng bình quân 20%/ năm); Tỷ lệ cán bộ KH&CN có trình độ trên đại học vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số cán bộ KH&CN của thành phố; Nhân lực KH&CN còn bất hợp lý về cơ cấu theo lĩnh vực nghiên cứu, ngành nghề đào tạo; Trình độ ngoại ngữ còn nhiều hạn chế; Một bộ phận cán bộ KH&CN bất cập về kiến thức, năng lực và trình độ trước yêu cầu của nền kinh tế thị trường, các hoạt động KH&CN chưa thực sự gắn kết với nhu cầu của thành phố…
Từ đó, tác giả xây dựng quan điểm phát triển nhân lực KH&CN phải là một trong ba khâu đột phá cho công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng 2030; Đảm bảo hài hòa về cơ cấu ngành, lĩnh vực theo quy hoạch phát triển của thành phố; Gắn liền đào tạo, thu hút với sử dụng, trọng dụng đãi ngộ; Kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Chú trọng đầu tư kinh phí để phát triển nhân lực.
Với mục tiêu phát triển nhân lực KH&CN có trình độ cao, xây dựng đội ngũ chuyên gia KH&CN giỏi, phấn đấu đến năm 2020 nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 850 người/vạn dân, đội ngũ nhân lực KH&CN của thành phố tăng bình quân 20%/năm, cán bộ có trình độ trên ĐH đạt 40% vào năm 2020, Đề án cũng vạch ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường hoạt động KH&CN trong các trường Đại học, Cao đẳng, các tổ chức KH&CN và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ này, tác giả đề xuất các giải pháp phát triển nhân lực KH&CN, gồm: Đổi mới, thống nhất quản lý nhà nước về phát triển nhân lực KH&CN; Bảo đảm nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực KH&CN; Tăng cường hợp tác, chủ động hội nhập quốc tế, hợp tác trong nước để phát triển nhân lực KH&CN; Nghiên cứu việc Thành lập Trung tâm phát triển nhân lực chất lượng cao trong đó có nhân lực KH&CN và Các chương trình, đề án ưu tiên để phát triển nhân lực KH&CN.
Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN cấp thành phố, đề tài có khả năng ứng dựng cao, khi đưa vào thực tế sẽ góp phần thực hiện các định hướng phát triển KH&CN nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung./.

Lượt xem: 1798

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)