Thứ năm, 31/12/2015 14:47 GMT+7

Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông – Kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ

Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông là doanh nghiệp đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) của tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là một doanh nghiệp tiêu biểu trong hệ thống doanh nghiệp KHCN về các hoạt động nghiên...
Phải luôn chú trọng phát triển hoạt động KHCN: Nhận thức được vai trò quan trọng của KHCN đối với sự phát triển của doanh nghiệp, ngay từ khi thành lập ngày 4/1/1995 Công ty Tiến Nông đã xác định KHCN là nền tảng phát triển của doanh nghiệp và chú trọng đầu tư vào hoạt động KHCN. Công ty luôn coi trọng thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng và cải tiến công nghệ nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để trở thành thương hiệu nổi bật trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam. Công ty đã xây dựng được đội ngũ nhân lực KHCN đáp ứng trình độ chuyên môn và nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Do xác định KHCN là động lực phát triển doanh nghiệp, Tiến Nông đã đạt được nhiều thành tích và có sự phát triển nhanh chóng. Từ sản phẩm đầu tiên là phân lân nung chảy, đến nay Tiến Nông đã mở rộng ra nhiều loại sản phẩm với công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm bao gồm: phân bón NPK chuyên dùng cho từng đối tượng cây trồng; phân bón NPK đa dụng; phân lân nung chảy; phân bón trung, vi lượng; các loại phân bón có công nghệ đặc thù như đạm hạt vàng, siêu đạm, lân trung tính, chất điều hòa pH đất,… Sản phẩm của Công ty có mặt khắp 43 tỉnh thành trong cả nước bao gồm cả ba vùng nông nghiệp trọng điểm; được xuất khẩu đến một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia,… Từ một xưởng sản xuất nhỏ với vài chục lao động, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Tiến Nông đã có 4 nhà máy với trên 500 lao động.

Tiến Nông được công nhận là doanh nghiệp KHCN đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Phòng thí nghiệm trung tâm của Công ty được chứng nhận thuộc hệ thống phòng thí nghiệm quốc gia với số hiệu VILAS 849. Đó là những nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhằm hiện thực hoá tầm nhìn trở thành đơn vị sáng tạo dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam, với chiến lược phục vụ chuyên nghiệp các ngành hàng trọng điểm như Lúa gạo, Hồ tiêu, Cà phê, Mía đường, Cao su, Rau – Hoa – Quả…

Với những thành tích đã đạt được, Công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì, Bằng Lao động sáng tạo và nhiều Bằng khen, Giấy khen, Giải thưởng cao quý khác.

Trong suốt quá trình hoạt động, Công ty Tiến Nông đã luôn chú trọng công tác nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, do việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước, trong đó có chính sách về doanh nghiệp KHCN còn hạn chế nên Công ty chưa xây dựng định hướng phát triển thành doanh nghiệp KHCN. Nhờ vào việc phổ biến, tuyên truyền chính sách và sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của Sở KH&CN Thanh Hoá, Công ty đã hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đăng ký và được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN, trở thành doanh nghiệp KHCN đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá.

Việc chứng nhận doanh nghiệp KHCN mới chỉ là bước đầu dựa trên một kết quả nghiên cứu đủ điều kiện của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cần thời gian để chuyển đổi hoạt động để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp KHCN.

Đối với Tiến Nông, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hoạt động chuyển đổi trong thời gian vừa qua như: chuyển đổi dần bao bì sản phẩm với công bố cũ không phù hợp với điều kiện được hưởng ưu đãi và chuyển sang các công bố mới, cùng với đó là hợp đồng, hoá đơn và các chứng từ liên quan. Tuy nhiên, do số lượng công bố trước đây là khá lớn nên cho đến nay công ty vẫn chưa đăng ký hưởng ưu đãi theo quy định mà dự kiến đăng ký từ đầu năm 2016.

Trong quá trình chuyển đổi này doanh nghiệp rất cần có sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan liên quan như Sở KH&CN, Cục Thuế… để đảm bảo thực hiện đúng quy định và đồng bộ trong tất cả các hồ sơ liên quan.

Bên cạnh đó, theo chứng nhận ban đầu các sản phẩm dinh dưỡng cây trồng của Tiến Nông phải chứa hàm lượng Silic dễ tiêu thì mới được công nhận là sản phẩm KHCN. Nhưng trên thực tế không phải loại cây trồng nào cũng cần bổ sung yếu tố Silic, vì vậy đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ trọng các sản phẩm KHCN chưa thể chiếm đa số trong tổng cơ cấu sản phẩm của Công ty.

Giải pháp duy trì và phát triển doanh nghiệp KHCN:

Việc được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN là bước khởi đầu trên chặng đường phát triển mới của doanh nghiệp. Để duy trì các điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KHCN và hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Công ty đã xây dựng, đề ra Chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên KHCN. Thông qua việc tiếp tục triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu để có thể bổ sung danh mục các kết quả KH&CN, Công ty hướng đến mục tiêu 100% sản phẩm dinh dưỡng cây trồng của Công ty được công nhận là sản phẩm KHCN và đáp ứng đầy đủ các điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp KHCN.

Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp KHCN, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp KHCN của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung còn rất khiêm tốn. Vì vậy, rất cần tạo ra các sân chơi cho các doanh nghiệp KHCN để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho KH&CN và một trong những giải pháp là thành lập một câu lạc bộ “doanh nghiệp KHCN” của tỉnh Thanh Hóa, nhằm tạo diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng doanh nghiệp KHCN. Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần lựa chọn những thương hiệu tiêu biểu của các doanh nghiệp KHCN để tiếp tục hỗ trợ xây dựng thành các thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
 

Lượt xem: 2979

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)