Thứ hai, 21/09/2015 15:54 GMT+7

Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp - Kinh nghiệm của Nhật Bản”

Ngày 16/9/2015, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện) phối hợp với Trung tâm quốc gia về đào tạo và thông tin sở hữu công nghiệp Nhật Bản - INPIT tổ chức Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp - Kinh nghiệm của Nhật Bản” tại trụ sở của...


Tham dự và chủ trì có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Naoya OKU, Giám đốc Ban Khai thác - Phát triển nhân lực của INPIT, Nhật Bản. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia khác của Nhật Bản đến từ INPIT, JICA, JETRO và đại biểu đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam có tài sản trí tuệ (TSTT) và/hoặc hoạt động quản trị TSTT, cũng như đại diện của một số cơ quan quản lý nhà nước khác.

Tại Hội thảo, ông Kohno Hideto, diễn giả của Nhật Bản đã giới thiệu về một số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) điển hình của Nhật Bản trong việc khai thác sáng chế có hiệu quả; xây dựng danh mục quản trị sáng chế và chuyển giao độc quyền sáng chế; khai thác/sử dụng sáng chế trên quy mô toàn cầu; xây dựng liên minh giữa các SME của Nhật Bản; một số vụ việc chống hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Sau đó, TS. Đào Minh Đức, diễn giả của Việt Nam đã giới thiệu một số kinh nghiệm bước đầu trong hoạt động đào tạo quản trị TSTT và việc tổ chức quản trị TSTT trong một số doanh nghiệp điển hình của Việt Nam; chương trình đạo tạo về quản trị TSTT ở nhiều cấp độ khác nhau cho các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh.

Qua các nội dung được trình bày và thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu nhận thức rõ hơn về khái niệm, vai trò, ý nghĩa cũng như cách thức tổ chức thực hiện hoạt động quản trị TSTT trong doanh nghiệp nhằm tạo lập, khai thác, gìn giữ, bảo vệ và phát triển giá trị của tài sản đó phù hợp với mục tiêu và nội dung chiến lược quản trị kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các đại biểu cũng thể hiện sự quan tâm và nhu cầu thực sự được tham dự Chương trình đào tạo về quản trị TSTT do Viện chủ trì tổ chức từ nhiều năm qua, qua đó trở thành những nhà quản trị TSTT có khả năng tham mưu, xây dựng và thực hiện chiến lược quản trị TSTT của các doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ.

Lượt xem: 1108

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)