Thứ tư, 16/09/2015 07:54 GMT+7

Nhà khoa học trẻ "hiến kế" phát triển KH&CN

Tại buổi Gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 11/9 vừa qua, các nhà khoa học trẻ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng những kết quả nghiên cứu được triển khai, ứng dụng vào...


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu


Tự do và bứt phá trong nghiên cứu là một yếu tố để phát triển khoa học


TS. Phạm Phương Chi, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã bày tỏ sự băn khoăn về những thiệt thòi, khó khăn về vật chất, tinh thần của những người làm ngành khoa học xã hội và nhân văn. Từ những trải nghiệm của bản thân trong nghiên cứu, TS. Chi cho rằng "tự do và sự bứt phá trong hoạt động nghiên cứu là yếu tố tạo ra sự phát triển về khoa học".

Với tư cách là nhà khoa học nữ, TS. Chi cho rằng, cần nhìn nhận nhà nghiên cứu từ công việc họ làm, thành tích họ đạt được với tư cách là một nhà nghiên cứu hơn là tập trung vào khía cạnh họ là người nữ hay người nam, họ từ đâu đến,... Đây là kiểu tư duy theo xu hướng chuyên nghiệp mà ngay cả các xã hội phương Tây cũng đang nỗ lực để vượt qua những phân biệt về xã hội.

TS. Chi cũng chia sẻ thêm, mặc dù đã xác định lựa chọn và gắn bó với nghiên cứu khoa học nhưng Chi vẫn băn khoăn là công việc của mình không được coi là một phần của sự nghiệp xây dựng dân tộc - quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, buổi gặp mặt với Thủ tướng đã "có ý nghĩa khích lệ đối với cá nhân tôi nói riêng và những người làm nghiên cứu KHXH&NV nói chung. Chúng tôi có thêm nguồn động viên tinh thần to lớn để tiếp tục con đường nghiên cứu".

Cần đội ngũ những người thầy biết truyền "lửa" đam mê khoa học

TS. Phạm Văn Phúc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 10 năm nghiên cứu, anh đã bắt đầu gặt hái một số kết quả nhất định như công bố khoảng 70 công trình KH&CN từ sách, báo trên các tạp chí quốc tế; thực hiện hơn 10 đề tài KH&CN các cấp, làm Tổng biên tập 2 Tạp chí quốc tế, chuyển giao thành công một số quy trình công nghệ cho doanh nghiệp,... Chia sẻ về những khó khăn của một giảng viên vừa giảng dạy vừa tham gia nghiên cứu, TS. Phúc cho biết, bên cạnh những thuận lợi, không chỉ riêng anh mà còn nhiều nhà khoa học khác đã gặp không ít khó khăn, nhất là tâm lí của nhiều cán bộ trong một số Trường phần lớn chưa thoát ra được quan điểm: Trường là nơi chỉ để dạy. Rất ít người nghĩ trường đại học là nơi để nghiên cứu.

Theo TS. Phúc, rất cần một giải pháp tổng thể từ giáo dục, đào tạo đến các ngành nghề liên quan để tạo ra một hệ thống môi trường cho các bạn trẻ yêu thích, tiếp tục và mãi yêu thích KH&CN, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp KH&CN nước nhà. Để có thể xây dựng được đội ngũ các bạn trẻ đam mê KH&CN, rất cần đội ngũ những người Thầy đam mê KH&CN và biết truyền đam mê đó cho học trò của mình, giống như TS. Phúc đã làm vậy với các học trò của anh.

Tạo điều kiện để giảng viên thực sự làm nghiên cứu khoa học

TS. Lê Phước Cường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, người đã nghiên cứu chế tạo thành công mô hình lọc nước bằng hạt hấp phụ từ tính thân thiện với môi trường để xử lý nước ô nhiễm kim loại nặng trong các nhà máy xi mạ tại các khu công nghiệp; Giải Nhất Lobachevski về Hoá học của Liên Bang Nga; Hình thành và hoạt động tốt nhóm nghiên cứu “Bách Khoa trẻ” với khả năng tự trả lương;... cũng đã kiến nghị về giải pháp làm thế nào để lớp trẻ nắm chắc và sử dụng hiệu quả chìa khóa - KH&CN trong việc đóng góp cho sự phát triển đất nước. Theo TS. Cường, bản thân lớp trẻ cần có nhận định đúng đắn khi dấn thân vào lĩnh vực KH&CN. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, yếu tố đầu tiên để mang đến thành công chính là sự đam mê và lòng quyết tâm, tinh thần trách nhiệm.

Cùng với đó, cần có chính sách giáo dục và nghiên cứu. Cần tạo điều kiện cho giới trẻ có cơ hội được tiếp xúc với khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kết hợp tổ chức, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình “sinh viên nghiên cứu khoa học” hay những chương trình tương tự trong những lĩnh vực trọng điểm như: môi trường, kỹ thuật, khoa học ứng dụng,… Bên cạnh đó, định hướng một số trường trở thành những trường đại học nghiên cứu trọng điểm ở mỗi vùng miền.

Ngoài hỗ trợ về tài chính, công tác đào tạo nhân lực cần có sự liên hệ với nhu cầu cụ thể của từng đơn vị, phân chỉ tiêu dựa trên nhu cầu ở từng chuyên môn sâu (đối với tiến sỹ) như một phương thức đặt hàng nhân lực khoa học. Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để các nhà khoa học trẻ xuất sắc có thể tham dự các khoá đào tạo chuyên sâu trao đổi học thuật với các nhà khoa học ở các nước tiên tiến.

"Đối với những nhà khoa học trẻ, chúng tôi cũng có ước mơ, hoài bão thực hiện những công trình "nghiên cứu mang tầm quốc gia và có tính kinh tế cao, tôi mong thời gian tới nhận được thêm nhiều thông tin và sát với thực tế hơn để những nhà khoa học trẻ như chúng tôi được dễ dàng tiếp cận và thực hiện", TS. Cường bày tỏ.

PGS.TS. Lê Trung Thành, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn thời gian tới, vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ làm chuyên trách nghiên cứu khoa học hay chế độ cho giảng viên tham gia công tác nghiên cứu khoa học trong trường đại học sẽ được quan tâm đặc biệt bằng các cơ chế, chính sách mới, cụ thể hóa hơn nữa theo hướng không chỉ khuyến khích, động viên mà có thể là những chế tài pháp lý phù hợp, bắt buộc đối với cả nhà trường và mỗi giảng viên. Ví dụ, có chính sách phù hợp cho giảng viên đồng thời thực hiện hai nhiệm đào tạo và nghiên cứu, hay biên chế nghiên cứu viên chuyên trách trong trường đại học. Đặc biệt có chính sách, tạo điều kiện cho giảng viên thực sự làm nghiên cứu khoa học.

Thủ tướng "đặt hàng" nhà khoa học


Tại buổi gặp mặt, TS. Nguyễn Bá Hải, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã trình bày về 3 sáng kiến: máy pha cà-phê, chế tạo rô-bốt có thể dạy tiếng Anh, đặc biệt là dự án nghiên cứu sản xuất kính “mắt thần” đem lại ánh sáng cho người khiếm thị. Việc này đã trở thành sự kiện "nóng" trong buổi gặp mặt.

“Từ mô hình robot hoạt động trên mặt trăng, tôi nghĩ tại sao không thể chế tạo mắt thần giúp người khiếm thị.Tôi đã gom hết tiền để chế tạo sản phẩm đầu tiên, hình thức giống như một chiếc nón, nặng tới 20kg và thành công. Những phiên bản sau, chiếc mắt thần này chỉ còn 200g, rất nhẹ và tiện dụng, giá thành chỉ 2 triệu đồng/chiếc. Trong phòng thí nghiệm, phiên bản mắt thần không dây, có thể nghe nói đã được thử nghiêm thành công và sắp tới tôi sẽ công bố”- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết.

Hiện, cả nước có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị, trong đó 300.000 người mù hoàn toàn. Những năm qua Hải đã sản xuất hàng ngàn sản phẩm với mục đích phi lợi nhuận từ kinh phí của bản thân và các nhà tài trợ, hảo tâm để cùng Trung ương Đoàn tặng cho người khiếm thị nghèo ở những địa bàn khó khăn, người mù bán vé số…

Sau khi nghe TS. Hải báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cần hỗ trợ để nhóm nghiên cứu mở rộng dự án có ý nghĩa xã hội này. Thủ tướng đã trực tiếp đặt hàng 300.000 chiếc "mắt thần" để hỗ trợ người khiếm thị trên toàn quốc. Đồng thời, giao giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bí thư Trung ương Đoàn khẩn trương thẩm định tính khả thi của dự án cung cấp thiết bị hỗ trợ người mù do chính người Việt Nam sản xuất. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho dự án này.

Trình bày đề xuất, kiến nghị của mình, TS.Hải nói, trong khoa học, tất cả những rào cản đều giải quyết được nếu lựa chọn đúng con người từ trung ương đến địa phương, cá nhân, tổ chức làm khoa học bên dưới – điều cốt lõi vẫn là chọn đúng người. Sau con người cần có một chiến lược tổng thể lấy hiệu quả làm đầu, kết nối sức mạnh toàn dân, xã hội hoá, doanh nghiệp hoá KH&CN. Mục tiêu, cách tiếp cận, mô hình nhỏ tác động lớn, quy trình, tiêu chí khách quan, hiệu quả nhưng đơn giản về phân bổ ngân sách, phê duyệt, đánh giá đề tài, dự án.

Giải pháp thúc đẩy cộng đồng startup KH&CN

Nguyễn Đình Nam - Giám đốc Công ty VP9, công ty khởi nghiệp tạo ra một nền tảng truyền video qua Internet cho các doanh nghiệp khác sử dụng cho rằng, startup trong lĩnh vực KH&CN luôn gặp nhiều thử thách nhưng nếu vượt qua, thành công sẽ có tiềm năng đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Để thúc đẩy cộng đồng startup KH&CN, Nguyễn Đình Nam kiến nghị: cải tổ trung chuyển dữ liệu Internet mới theo mô hình thành công của trung tâm trung chuyển Amsterdam; lập quỹ cho cá nhân các nhà khoa học vay các khoản tiền vừa phải với lãi suất rất thấp và không cần thế chấp để đưa công trình khoa học của tác giả ra kinh doanh phục vụ cuộc sống. Chỉ cần 1/10 công trình thành công, giá trị xã hội thu được thường bù các dự án thất bại. Nếu nhà khoa học bị thất bại, quỹ sẽ khoanh nợ để họ đi làm kiếm tiền trả trong 10 năm hoặc 20 năm; tạo nền tảng quảng cáo miễn phí trên trang web cho các sản phẩm KH&CN mới của Việt Nam.

Lượt xem: 1339

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)