Trong khóa học, các học viên đã được nghe các chuyên gia, nhà khoa học của Trường giới thiệu tổng quan về chính sách quản lý khoa học - công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo của Liên bang Nga và nhiều vấn đề mà hiện nay Việt Nam đang rất quan tâm như: Thương mại hóa kết quả nghiên cứu R&D, quản lý rủi ro dự án khoa học và công nghệ, quản lý các tổ chức nghiên cứu công lập, vấn đề tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ, chính sách đổi mới sáng tạo và phương pháp xây dựng dự báo... Các học viên cũng được tìm hiểu về Chiến lược khoa học và công nghệ đến 2020 của Liên bang Nga; vai trò, nhiệm vụ của cơ quan quản lý khoa học và các cơ quan có liên quan, như Cơ quan Liên bang về các tổ chức khoa học, Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Công Thương... trong việc thực hiện Chiến lược cũng như thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Trong những năm gần đây, đầu tư cho khoa học và công nghệ của Liên bang Nga tăng 4 lần. Liên bang Nga cũng đã thực hiện một loạt chính sách cải cách lớn như cải tổ lại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ban hành Luật Dự báo khoa học và công nghệ, trong đó nêu rõ dự báo khoa học và công nghệ phải gắn chặt với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và dựa trên những nghiên cứu dự báo để hình thành những hướng nghiên cứu ưu tiên. Đồng thời vấn đề nhân lực khoa học và công nghệ cũng được đặc biệt quan tâm thông qua việc xây dựng chính sách thu hút các nhà khoa học trẻ vào làm việc trong các Trung tâm nghiên cứu khoa học công lập, tạo cơ chế để tăng thu nhập cho các nhà khoa học.
Từ sự tương đồng về cách thức quản lý, qua những kinh nghiệm mà bạn đã trải qua cho thấy cái nhìn tổng quát về mô hình quản lý khoa học và công nghệ hiện nay của Liên bang Nga, những bài học về thành công, thất bại cũng như những tồn tại mà Liên bang Nga phải đối mặt trong quá trình phát triển để giành lại vị thế của ngành khoa học Nga đã đạt được trước đây.
Lớp học đã thành công tốt đẹp. Các học viên đã hoàn thành 100% chương trình học tập và được Nhà trường cấp chứng chỉ tốt nghiệp./.