Bộ trưởng Nguyễn Quân- Trưởng Ban Điều hành chủ trì buổi họp
Cuộc họp gồm các nội dung: Đánh giá hoạt động KH&CN, hoạt động quản lý nhiệm vụ quỹ gen từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2015; Định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và thông qua danh mục đề xuất đặt hàng nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia năm 2015; Định hướng nội dung chính xây dựng Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến 2025 và tầm nhìn đến 2030 (Chương trình).Tại Cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật trình bày Báo cáo đánh giá hai năm (2013-2015) hoạt động KH&CN và hoạt động quản lý nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia. Hoạt động KH&CN nhằm khai thác và phát triển các nguồn gen quý cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật đang hướng đến phục vụ công tác chọn tạo giống, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Các thành viên thống nhất cao với khung nội dung Chương trình, ngoài việc bảo tồn và lưu giữ; khai thác và phát triển; đánh giá tiềm năng nguồn gen thì Chương trình cần tập trung nâng cao năng lực quản lý nhằm chống xói mòn nguồn gen, đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác nguồn gen.
Thay mặt Ban Điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã kết luận và chỉ đạo: Chúng ta cần thúc đẩy hoạt động KH&CN cũng như quản lý tốt nhiệm vụ quỹ gen. Để nguồn gen là tài sản quốc gia thì phải đưa được vào phục vụ sản xuất. Bộ trưởng khẳng định vai trò của KH&CN trong việc bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen. Vì nhiệm vụ quỹ gen đang được nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố quan tâm, Ban Điều hành ít nhất phải họp thường niên. Các hoạt động khai thác và phát triển nguồn gen cần được tổ chức thực hiện định hướng theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, nhất là các giống lúa có chất lượng cao, để số lượng xuất khẩu ít nhưng doanh thu và lợi nhuận cao.
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, vì nguồn lực tài chính có hạn, chúng ta cần tập trung cho một số sản phẩm chính, chọn lọc một số đối tượng để khai thác và phát triển như: tạo giống lúa thơm, các giống lúa đặc sản chỉ có ở Việt Nam để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các đơn vị đầu mối bảo tồn nguồn gen của các Bộ sàng lọc những nguồn gen không tốt, loại khỏi phạm vi bảo tồn để giảm chi phí duy trì. Nguồn gen đa dạng, nhu cầu bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen ngày càng tăng do nhu cầu của sản xuất, đề nghị các đơn vị có liên quan có kế hoạch làm việc với Bộ Tài chính để tăng nguồn kinh phí, cụ thể: i) Kinh phí bảo tồn cân đối cho các bộ, ngành, địa phương không dưới 55 tỷ đồng/năm; ii) Kinh phí cho các nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen cấp quốc gia không dưới 100 tỷ. Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật khẩn trương hoàn thiện khung Chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/ 2015.