Thứ ba, 28/07/2015 13:34 GMT+7

Nghiệm thu đề tài thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng

Ngày 24/07/2015, Bộ KH&CN đã tổ chức họp Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng: “Nghiên cứu phát hiện và xây dựng quy trình phân lập một số độc tố thần...
Hội đồng đã đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của đề tài, cụ thể, đề tài đã đăng ký 01 giải pháp hữu ích (đã chấp nhận đơn hợp lệ); công bố được 01 bài báo trên tạp chí quốc tế (ISI), 03 tạp chí trong nước; tham gia đào tạo 01 NCS và 02 ThS có hướng nghiên cứu phù hợp với hướng nghiên cứu của đề tài, đặc biệt là sản phẩm dạng một của đề tài được hội đồng đánh giá có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu thực tế. Kết quả đề tài xếp loại Xuất sắc.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài đã nghiên cứu và giải quyết được các vấn đề đặt ra trong mục tiêu nghiên cứu, đó là:

Thứ nhất, làm chủ được công nghệ/kỹ thuật chiết xuất và tinh chế Chất độc tetrodotoxin (TTX) có độ tinh khiết cao (>=95%), lần đầu tiên ở Việt Nam thiết lập được chất chuẩn TTX phục vụ kiểm nghiệm và nghiên cứu, góp phần cho hướng nghiên cứu ứng dụng TTX trong y học.

Thứ hai, Phân lập được 5 hợp chất tương tự TTX (Tetrodotoxin analogues, kí hiệu TTXs): 5-deoxyTetrodotoxin, 6-epiTetrodotoxin, 6-deoxyTetrodotoxin, 11-deoxyTetrodotoxin và 6,11-dideoxyTetrodotoxin. Các hợp chất này lần đầu tiên được phân lập từ các loài cá nóc thu được ở Việt Nam, sẽ góp phần vào các nghiên cứu độc tố TTX cũng như ứng dụng của nhóm chất này trong y học

Thứ ba, qua nghiên cứu đã sơ bộ định hướng ứng dụng được sản phẩm của đề tài như chất chuẩn TTX được dùng trong kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, cũng như kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm; TTX thô và bột đông khô TTX 0,1mg/g được định hướng làm nguyên liệu bào chế sản phẩm hỗ trợ giảm đau do ung thư và điều trị cai nghiện ma túy. TTX có thể được khai thác, chiết xuất từ phế phẩm của nền công nghiệp chế biến cá nóc là phủ tạng cá nóc.

Những năm gần đây, TTX đang được nghiên cứu ứng dụng và rất có triển vọng trong các liệu pháp điều trị giảm đau, gây tê, cai nghiện, chữa ung thư hay chống HIV/AIDS. Những nhóm liệu pháp này tạo ra nhu cầu sử dụng TTX rất lớn ở Việt Nam và đòi hỏi nguồn cung cấp TTX dồi dào. Đề tài đã góp phần giải quyết được phần nào yêu cầu này, đã định hướng đưa TTX vào nghiên cứu ứng dụng. Sản phẩm của đề tài là TTX thô và bột đông khô TTX nồng độ 0,1% là có định hướng ứng dụng gần nhất, nhằm góp phần vào các nghiên cứu phát triển thuốc của các tác giả trên thế giới cũng như ở Việt Nam hướng tới: bào chế thuốc cai nghiện hoặc thuốc giảm đau. Với giả thiết mỗi viên nang có chứa lượng TTX là 100 ng, vậy 100 g bột nồng đông khô có thể bào chế được 1 triệu viên thuốc tương ứng với 2 hoặc 3 lô công nghiệp (quy mô 300.000 – 500.000 viên/lô). Điều này mang đến hi vọng cho hàng triệu bệnh nhân và gia đình người bệnh ở Việt Nam cũng như trên thế giới, lại tạo lợi ích kinh tế không hề nhỏ bởi nhu cầu là rất lớn. Mặt khác, cá nóc vừa có thể được khai thác xuất khẩu, phế phẩm là phủ tạng có thể được tận thu làm nguồn nguyên liệu chiết tách TTX. Đây cũng là hướng khai thác tiềm năng biển vô cùng to lớn của Việt Nam, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa mang lại lợi ích y học, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Lượt xem: 926

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)