Thứ ba, 23/02/2021 11:03 GMT+7

Hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất ván ép nhiều lớp chất lượng cao và kích thước lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong môi trường chịu lực lớn, độ ẩm cao

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu phương tiện đánh bắt hải sản của các tỉnh ven biển ngày càng tăng, số lượng tàu vỏ gỗ đóng mới ở địa phương liên tục tăng trong những năm gần đây. Mỗi năm, ngư dân trong tỉnh đầu tư khoảng 500 tỉ đồng để đóng mới tàu cá công suất lớn từ 400 đến 1.000 CV để tham gia đánh bắt xa bờ. Hiện 10 cơ sở ở Bình Định được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép đóng tàu cá theo Nghị định 67 và nhiều cơ sở đóng tàu khác ở địa phương đều quá tải vì nhu cầu đóng mới tàu vỏ gỗ của ngư dân tăng quá nhanh (Báo Bình Định điện tử tháng 8/2016). Theo các chủ cơ sở đóng tàu tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định), trên thị trường hiện không thiếu gỗ; nhưng gỗ đúng quy cách để đóng tàu thì rất ít. Gỗ sao và gỗ sến là loại chủ lực trong đóng mới tàu cá vỏ gỗ của ngư dân, chiếm đến 40% tổng lượng gỗ cần sử dụng. Loại gỗ này có mủ tiết ra mùi đặc trưng khiến hàu không bám vào được. Ngoài ra, khi đóng tàu còn phải dùng các loại gỗ có sức chống chịu tốt như: trâm, sao cát, dẻ, sầm ná…

Một số nghiên cứu trong nước về sản xuất và sử dụng ván bóc từ gỗ Keo, bạch đàn rừng trồng cho thấy việc sử dụng gỗ rừng trồng cho sản xuất ván bóc và gỗ dán ở Việt Nam đang phát triển trong 10 năm gần đây khi các loại máy bóc lồng sản xuất tại Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Nhằm giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng ván bóc, đa dạng hóa các sản phẩm từ ván bóc gỗ rừng trồng, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, đã có nhiều nghiên cứu về sử dụng ván bóc gỗ rừng trồng tạo các sản phẩm mới có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho sản xuất đồ mộc và các ngành kinh tế khác.

Do yêu cầu an toàn, nên các loại vật liệu (trong đó có vật liệu gỗ) dùng trong công nghiệp đóng tàu, thuyền đặc biệt là tàu-thuyền đi biển phải tuân thủ các yêu cầu ngặt nghèo được quy định trong các tiêu chuẩn (tiêu chuẩn chung quốc tế và tiêu chuẩn riêng của từng nước).

Dự án “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất ván ép nhiều lớp chất lượng cao và kích thước lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong môi trường chịu lực lớn, độ ẩm cao” do TS. Nguyễn Quang Trung cùng với các cộng sự thực hiện nhằm hoàn thiện qui trình công nghệ và thiết bị tạo ván ép nhiều lớp kích thước lớn từ gỗ rừng trồng Keo, Bạch đàn làm nguyên liệu sử dụng trong môi trường độ ẩm cao, chịu lực lớn.

Sau một thời gian thực hiện, dự án đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như sau:

1. Dự án đã thực hiện nội dung hoàn thiện thiết bị gồm 2 cơ cấu bổ sung cho máy ép tạo sản phẩm kích thước lớn: Cơ cấu đưa phôi vào máy ép và cơ cấu đỡ sản phẩm sau khi ép. Các cơ cấu vận hành ổn định và hỗ trợ cho quá trình thực hiện tạo sản phẩm ván ép nhiều lớp kích thước lớn. 

2. Sản phẩm ván ép nhiều lớp kích thước lớn của dự án đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tiến bộ kĩ thuật năm 2016.

3. Dự án đã thực hiện hoàn thiện một số thông số công nghệ sản xuất ván ép nhiều lớp kích thước lớn (dài 5 m, rộng 0.5 m và dày 0,03 m). Với công nghệ của dự án đã rút ngắn thời gian ép nhiệt (giảm 25%) so với uy trình ép thực hiện trong đề tài KC 07.22/06-10. Chất lượng sản phẩm đáp ứng mục tiêu của dự án đề ra và có 2 đặc tính được cải thiện: 1) Mức độ sai khác về các đặc tính cơ lí trên toàn bộ chiều dài sản phẩm giảm (độ đồng đều về chất lượng tăng). 2 ) độ trương nửo chiều dày sản phẩm giảm. Các trị số MOR, MOE tăng không đáng kể. 

4. Kết quả hoàn thiện quy trình công nghê sản xuất ván ép nhiều lớp,  kích thước phổ thông: dài 2,44 m; rộng 1,22 m; dày 18 mm. Các kết quả đã thực hiện bao gồm: xử lí ván bóc trước khi trang keo và sau trang keo; cải tiên quy trình xếp ván, bổ sung thời gian mở cho ván sau trang keo (OAT) và thời gian xếp lớp trước khi ép (CAT); bổ sung công đoạn ép nguội trước khi ép nhiệt đóng rắn keo, định hình sản phẩm. Với công nghệ mới; chất lượng sản phẩm được cải thiện: 1). Độ ẩm sản phẩm giảm (trước 10,2 %; sau 8,1 %). 2) Tính chất cơ học của sản phẩm được cải thiện đáng kể: MOR trước 46,7 Mpa-sau 59 Mpa; MOE trước 6718 Mpa-sau 6740 Mpa; độ bền kéo trượt màng keo trước 0,55 Mpa-sau 0,7 Mpa. 3). Thời gian ép nhiệt giảm (trước 42 phút, sau 24 phút, kể cả thời gian ép nguội), đây là cơ hội tăng năng suất sản phẩm.

5. Dự án đã phối hợp với công ty đối tác, sử dụng kinh phí đối ứng theo quy định, sản xuất thử lượng sản phẩm như sau: 30 m3 ván ép nhiều lớp kích thước lớn (dày 30 mm, rộng 0,5 m và dài 5 m); 110 ván ép nhiều lớp (kích thước dày 18 mm, rộng 1,22 m và dài 2,44 m) từ gỗ Keo  và 110 ván ép nhiều lớp (kích thước dày 18 mm; rộng 1,22 m và dài 2,44 m) từ gỗ bạch đàn.

6. Tổ chức 02 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cho công nhân và kĩ thuật viên tại công ty Tiến bộ, đơn vị đối tác của dự án.

7. Xây dựng mô hình sản xuất ván ép nhiều lớp quy mô công suất 500 m3/năm trên cơ sở thiết kế lại mặt bằng bố trí thiết bị hiện có của công ty.


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14487) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 701

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)