Thứ sáu, 08/01/2021 14:34 GMT+7

Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Mường Khương – Bát Xát” cho sản phẩm gạo Séng Cù

Ngày 25/12/2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4909/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00098 cho sản phẩm gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Lúa Séng Cù thuộc nhóm lúa thuần thơm của Trung Quốc được du nhập tỉnh Lào Cai bằng con đường tự trao đổi của nhân dân. Giống lúa này thường gọi là Séng Cù, tên địa phương Trung Quốc là Sừ Ly Séng, tên khoa học là Đồn Điền 502. Lúa Séng Cù được gieo cấy tại Lào Cai từ năm 1998, gạo Séng Cù trở nên đặc biệt thơm ngon khi trồng tại Bát Xát, Mường Khương, Bảo Yên, Bắc Hà, Simacai. Những địa điểm này có điều kiện tự nhiên như độ cao từ 500 - 1.400 m, nhiệt độ thấp, trung bình 20 - 25oC và biên độ nhiệt ngày đêm lớn, ngày nắng đêm có sương mù. Đến nay, giống lúa này đã trở thành lúa đặc sản của tỉnh Lào Cai và toàn vùng Tây Bắc, có giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua quá trình canh tác tại Lào Cai cây lúa Séng Cù đã bộc lộ nhiều đặc tính nổi trội như rất phù hợp với điều kiện tự nhiên đất đai của địa phương, phù hợp với trình độ canh tác của nhân dân.

Gạo Séng Cù là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc: Mông, Thái, Dao đỏ, Nùng,... trên vùng đất Tây Bắc, gạo Séng Cù được trồng tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên,... Trong đó, gạo Séng Cù ở huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên, huyện Bắc Hà, huyện Simacai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được đánh giá là ngon nhất, nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao. Năm 2016, gạo Séng Cù trồng tại huyện Bát Xát được Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016 và năm 2017, gạo Séng Cù tỉnh Lào Cai được chứng nhận thương hiệu vàng nông nghiệp.



Cánh đồng lúa Séng Cù

 

Gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” được trồng ở Xã Trịnh Tường, xã Y Tý, xã Cốc Mỳ, xã Dền Sáng, xã Bản Qua, xã Mường Vy, xã Bản Xèo, xã Quang Kim, xã Sàng Ma Sáo, xã Mường Hum thuộc huyện Bát Xát; xã Vĩnh Yên, xã Xuân Thượng, xã Lương Sơn thuộc huyện Bảo Yên; xã Tà Chải, xã Na Hối, xã Nậm Mòn, xã Thải Giàng Phố thuộc huyện Bắc Hà; xã Nàn Sán, xã Bản Mế, xã Sín Chéng thuộc huyện Simacai; xã Bản Lầu, xã Bản Xen, xã Tung Chung Phố, xã Nậm Lư, xã Lùng Khấu Nhìn, xã Thanh Bình, xã Lùng Vai, xã Nậm Chảy và thị trấn Mường Khương thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là vùng có địa hình bằng phẳng đến lượn sóng, độ cao trung bình từ 300 mét đến 1.200 mét so với mực nước biển, phân bố tập trung trong các thung lũng và các chân ruộng bậc thang nằm trong các thung lũng. Do được bao bọc bởi các dãy núi theo hướng Tây Bắc nên tại khu vực địa lý đã tạo thành các tiểu vùng khí hậu đặc trưng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của giống lúa Séng Cù. Ngoài ra, đây cũng là những vùng có thể chủ động được nguồn nước tưới từ các ngòi suối chảy trong thung lũng. Nhờ đó mà gạo Séng Cù ở đây có đặc trưng riêng tạo nên danh tiếng vùng này. Vùng trồng lúa Séng Cù chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, tuy nhiên, do nằm sâu trong lục địa, địa hình phức tạp, đặc biệt là sự chênh lệch về độ cao giữa các vùng, nên đã tạo ra những tiểu vùng sinh thái khí hậu khác nhau. Biên độ nhiệt ngày và đêm ở vùng trồng lúa Séng Cù khá lớn từ 4oC đến 10oC là điều kiện thuận lợi cho hạt gạo đạt được chất lượng tốt, giàu dinh dưỡng và thơm ngon. Tổng lượng mưa các vùng trồng lúa Séng Cù dao động từ 1.650 mm đến 1.900 mm. Nhìn chung, lượng mưa phân bố rất phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa Séng Cù ở vụ mùa, từ tháng 5 đến tháng 10. Vùng trồng lúa Séng Cù gồm 4 nhóm đất: nhóm đất phù sa, nhóm đất glây, nhóm đất xám, nhóm đất dốc tụ. Đất đều có độ tơi xốp lớn, hàm lượng hữu cơ từ 1,36 % đến 2,65 %, hàm lượng đạm từ 0,15 % đến 0,25 %, hàm lượng lân tổng số từ 0,11 - 0,18 %, hàm lượng kali tổng số từ 2,05 % đến 3,17 %, các chỉ tiêu này đều ở mức cao, vì vậy, cây sinh trưởng và phát triển rất thuận lợi.

Nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp mà gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” có hình dạng thon dài, màu trắng, độ bạc bụng nhỏ hơn 10%, mùi thơm vừa phải. Kích thước và khối lượng gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” cao hơn loại gạo này ở Yên Bái và Điện Biên, tỷ lệ râu lớn và đồng đều hơn. Hàm lượng protein của gạo Séng Cù tại khu vực địa lý từ 7,14 % đến 8,27 %, hàm lượng Vitamin B1 từ 0,041 mg/100g đến 0,059 mg/100g, cả hai chỉ tiêu này đều cao hơn gạo Séng Cù trồng ở Điện Biên. Hàm lượng amyloza gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” từ 10,99 % đến 14,13 % đạt ở mức trung bình đến thấp do đó gạo có độ dẻo cao, độ bền gel ở trạng thái mềm, nhiệt độ hóa hồ từ thấp đến trung bình.
 


 

Gạo Séng Cù “Mường Khương - Bát Xát” có được chất lượng như vậy cũng là nhờ kinh nghiệm trồng trọt của người dân địa phương. Người dân biết nắm bắt khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ để nâng cao năng suất và chất lượng gạo Séng Cù. Người dân biết chủ động trong việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, hạn chế được rủi ro trong canh tác, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật đã giúp cho gạo Séng Cù nơi đây có mức độ an toàn cao, đồng thời lựa chọn thời điểm thu hoạch khi số hạt trên bông chín đạt 80% giúp cho gạo Séng Cù đạt được độ thơm, cơm nhanh chín, mềm dẻo được người tiêu dùng ưa chuộng./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1116

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)