Thứ sáu, 08/01/2021 18:19 GMT+7

Năm 2020: Hoạt động Khoa học và Công nghệ có nhiều chuyển biến nhanh, tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của Bộ: nhanh nhạy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất. Đồng thời Phó Thủ tướng mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong giai đoạn trước để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo.

Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 06/01/2021, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có, đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Lãnh đạo các Sở KH&CN; đại diện một số viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí;...

Về phía Bộ KH&CN, có Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt; các đồng chí Lãnh đạo Bộ và nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng tập thể cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN.

KH&CN đóng góp tăng năng suất vượt mục tiêu
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 tại Hội nghị.
 

Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, năm 2020, được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016-2020 và là năm tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Trong thành công chung đó, có sự đóng góp của Bộ và của ngành KH&CN thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, tư duy quản lý KH&CN đổi mới mạnh mẽ theo hướng phục vụ trực tiếp tăng trưởng kinh tế, phù hợp tình hình phát triển của đất nước và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Những đổi mới tích cực nhất tập trung vào hoàn thiện đầu tư và cơ chế tài chính, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ, đặc biệt là nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của địa phương. Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển.

Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn hóa quốc tế (đến nay đã có 12.800 TCVN, tỷ lệ hài hòa trên 60%). Trong năm vừa qua, Bộ đã thẩm định và công bố 895 TCVN do các bộ, ngành xây dựng.

Đã xử lý 68.971 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,3% so với năm 2019). Cấp văn bằng bảo hộ cho 47.168 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 15,6% so với năm 2019).

Công tác bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân; đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai có hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thông qua các hình thức họp trực tuyến và làm việc từ xa. Đặc biệt, trong năm Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ đã tích cực thúc đẩy hoạt động hợp tác về KH&CN và đổi mới sáng tạo, chủ động triển khai các hoạt động trong danh mục sự kiện ASEAN 2020.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, đảm bảo cung cấp thông tin về thủ tục, dịch vụ công kịp thời, chính xác, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hoạt động thông tin, thống kê và truyền thông được đẩy mạnh. Cập nhật, vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin KH&CN, cơ sở dữ liệu quốc gia. Tổ chức truyền thông trên 100 sự kiện, hoạt động với gần 2.000 tin, bài, hàng trăm clip, phóng sự.

Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, các kết quả còn được thể hiện trong các lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn với các nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho Tổ văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Lĩnh vực công nghiệp đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp,… 

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, Bộ KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ KH&CN đã phê duyệt 10 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19.

Kết quả nghiên cứu nổi bật gồm: Nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ Kít phát hiện virus SARS-CoV-2, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu; Sản phẩm vaccine phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; Nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công sản phẩm robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Với vai trò đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện nhũng người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế....

Hoàn thiện cơ chế để KH&CN trở thành động lực chính của tăng trưởng

Về phương hướng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước đến năm 2030, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai các Chương trình, đề án trọng tâm của Chính phủ; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất vắc - xin phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp; Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Trao đổi tham luận tại Hội nghị, đại diện của các Bộ, ngành đánh giá cao vai trò và đóng góp của KH&CN trong các ngành, lĩnh vực trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, KH&CN đã giúp nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao hơn.

Ông Lê Minh Hoan cho biết, thông qua các nhiệm vụ hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ, người dân không chỉ được tiếp cận phương pháp canh tác tiên tiến, được hỗ trợ sử dụng thiết bị thông minh trong canh tác nông nghiệp, nắm bắt thông tin mùa vụ kịp thời, họ còn tham gia cung cấp kinh nghiệm canh tác bản địa, giúp tiết kiệm vật liệu đầu vào, mang lại sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng. "Các thành tựu của ngành nông nghiệp có vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Chia sẻ về vai trò của KH&CN trong việc phòng chống dịch Covid-19, Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y khẳng định, có thể nói chúng ta đã thành công một cách rất Việt Nam, rất riêng, trong đó có sự tham gia vào cuộc của Bộ KH&CN. "Bên cạnh tính chủ động, tính sáng tạo, tính sớm, tính quyết liệt của Bộ KH&CN đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã thành công trong việc "kích hoạt" các tiềm năng của các cơ sở nghiên cứu, của các nhà khoa học", GS. TS Đỗ Quyết bày tỏ.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng, đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành KH&CN vào thành tựu chung của phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù nhiệm kỳ vừa qua có nhiều khó khăn nhưng cùng chung với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ KH&CN, ngành KH&CN và các nhà khoa học đã góp phần quan trọng vượt qua khó khăn thách thức duy trì tốc độ tăng trưởng.

Phó Thủ tướng ghi nhận sự chuyển biến trong hoạt động của Bộ KH&CN, đã nhanh nhạy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất (vaccine, kit thử, phòng chống dịch...) và khẳng định những công trình lớn của đất nước được xây lắp bởi người Việt Nam trong những năm qua, cho thấy năng lực khoa học công nghệ của đất nước rất lớn.

Chỉ rõ những nhiệm vụ đặt ra cho ngành KH&CN trong năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ KH&CN tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế vượt trội, tháo những điểm ách tắc và minh bạch hơn nữa trong cơ chế tài chính, tăng cường nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, triển khai làm việc với các sở KH&CN địa phương,...

Phó Thủ tướng cũng mong muốn Bộ KH&CN phấn đấu đi đầu trong công khai minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo trong cộng đồng những người làm nghiên cứu.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
 

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Bộ sẽ triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Phó Thủ tướng bằng những hành động cụ thể trong năm 2021 và các năm tiếp theo, để KH&CN tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đưa KH&CN ngày càng đóng góp thiết thực, hiệu quả và cụ thể hơn trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Bộ KH&CN đã có những thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
 

Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ KH&CN đã có những thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3533

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)