Thứ năm, 24/12/2020 10:42 GMT+7

Giải pháp triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ

Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Nhằm triển khai thực hiện Chiến lược SHTT, vừa qua,  Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành Kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Bộ đã đề ra các nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể, như hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy hoạt động tạo ra, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT; xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT; xây dựng Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến năm 2030… Trên cơ sở đó, các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện. Hằng năm, các đơn vị đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.



Bưởi Phúc Trạch của Hà Tĩnh được Cục SHTT cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2010, góp phần tăng giá trị sản phẩm trên thị trường
 

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược SHTT. Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT, đến nay, một số tỉnh, thành phố đã tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược SHTT của địa phương, tuy nhiên cách thức triển khai không bắt buộc theo một khuôn mẫu chung, mà do các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng tùy theo tình hình hoạt động và định hướng, kế hoạch phát triển của địa phương. Để phát triển hệ thống SHTT theo mục tiêu Chiến lược SHTT đã đề ra, các Sở KH&CN cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, thông qua việc kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, xác định, củng cố các đầu mối chuyên trách tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở địa phương, đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về SHTT. Các Sở KH&CN cũng cần tăng cường phối hợp các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền SHTT, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, nhất là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số… Bên cạnh đó, chú trọng các giải pháp thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, như: cung cấp dịch vụ thông tin SHTT cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các chương trình khoa học, công nghệ, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT; hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các chỉ dẫn địa lý tiềm năng... Thời gian tới, việc phát triển các trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp rất quan trọng, nhằm thúc đẩy  khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ.

Theo Bộ KH&CN, ở địa phương, Sở KH&CN là đầu mối triển khai Chiến lược SHTT theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, cần xác định rõ SHTT không chỉ là vấn đề của ngành KH&CN mà có sự gắn kết mật thiết với các ngành, lĩnh vực khác. Trong quá trình thực hiện, có những nhiệm vụ sẽ do Sở KH&CN chủ trì thực hiện, nhưng cũng có những nhiệm vụ Sở KH&CN chỉ đóng vai trò phối hợp. Thí dụ, nhiệm vụ tăng cường sử dụng công cụ SHTT để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, thì cần phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát triển ngành du lịch… Việc triển khai Chiến lược SHTT có thể được thực hiện theo cách thức UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược SHTT của năm 2020 hoặc hai năm (2020-2021). Khi đã xác định các chỉ tiêu, định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương thì xây dựng kế hoạch đến năm 2025 hoặc 2030. Các địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030, có thể triển khai bằng các chương trình hành động hay kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn để xác định các nhiệm vụ ưu tiên.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 813

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)