Thứ hai, 21/12/2020 15:21 GMT+7

IAEA khởi động Dự án Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật

Vào tháng 6/2020, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đã đề xuất một sáng kiến ​​nhằm tăng cường sự chuẩn bị trên phạm vi toàn cầu cho các đại dịch trong tương lai giống như COVID-19. Sáng kiến có tên gọi Dự án Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật (ZODIAC), được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của IAEA khi hỗ trợ các quốc gia sử dụng kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật có nguồn gốc hạt nhân để phát hiện nhanh các mầm bệnh gây ra các bệnh lây truyền xuyên biên giới, bao gồm cả những mầm bệnh có thể lây sang người. Những bệnh truyền nhiễm từ động vật này khiến khoảng 2,7 triệu người tử vong mỗi năm.

Dựa trên năng lực về khoa học, kỹ thuật và phòng thí nghiệm của IAEA, ZODIAC sẽ thiết lập một mạng lưới toàn cầu để giúp các quốc gia theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật .
 

Dự án ZODIAC của IAEA sẽ thiết lập một mạng lưới toàn cầu để giúp các phòng thí nghiệm quốc gia theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật như COVID-19, Ebola, cúm gia cầm và Zika,.... ZODIAC dựa trên năng lực khoa học, kỹ thuật, các phòng thí nghiệm của IAEA và của các các đối tác cũng như các cơ chế của IAEA để tăng cường việc cung cấp trang thiết bị và kiến thức chuyên môn đến các quốc gia.

Mục tiêu của Dự án ZODIAC là để các nước trên thế giới chuẩn bị tốt hơn cho các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng thống đốc IAEA vào ngày 15/6/2020, ông Rafael Mariano Grossi, Tổng Giám đốc IAEA cho biết: “Các quốc gia thành viên sẽ được tiếp cận với thiết bị, công nghệ, kiến thức chuyên môn, được hướng dẫn và đào tạo. Những nhà hoạch định sẽ nhận được thông tin cập nhật, hữu ích, giúp họ có căn cứ để triển khai hành động một cách nhanh chóng”.

Ông Grossi cũng cho biết COVID-19 đã làm bộc lộ các vấn đề liên quan đến khả năng phát hiện vi-rút ở nhiều quốc gia, cũng như nhu cầu kết nối giữa các tổ chức y tế trên toàn thế giới. IAEA đã và đang thực hiện những công việc quan trọng để giúp các quốc gia ứng phó với đại dịch. Tính đến nay, IAEA đã cung cấp nhiều lô hàng thiết bị phát hiện và chẩn đoán virus COVID-19, phụ kiện, thiết bị bảo vệ cá nhân và các vật tư khác đến khoảng 120 quốc gia trên thế giới. Ông cho rằng điều cần thiết là phải kéo các mối quan hệ đa dạng này lại với nhau tạo thành một khuôn khổ hỗ trợ toàn diện và chặt chẽ.

Các kỹ thuật có nguồn gốc từ hạt nhân, ví dụ như các xét nghiệm sử dụng “ Phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase thời gian thực” (RT-PCR), là những công cụ quan trọng trong việc phát hiện và xác định đặc tính của virus. IAEA đang hỗ trợ khẩn cấp cho khoảng 120 quốc gia trong việc sử dụng các xét nghiệm như vậy để phát hiện nhanh COVID-19.

Bệnh lây truyền từ động vật gây ra bởi vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm hoặc vi-rút có nguồn gốc từ động vật và có thể truyền sang người. Nhiều bệnh trong số này có thể điều trị được nếu có thuốc, chẳng hạn như nhiễm trùng do vi khuẩn E. coli và brucella. Nhưng những loại bệnh khác lại có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, như Ebola, SARS và COVID-19.

ZODIAC được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của VETLAB, một mạng lưới các phòng thí nghiệm thú y ở Châu Phi và Châu Á, được thành lập ban đầu bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và IAEA để đương đầu với các dịch bệnh trên gia súc. VETLAB hiện hỗ trợ các quốc gia trong việc phát hiện sớm một số bệnh lây truyền từ động vật sang động vật, chẳng hạn như bệnh tả lợn Châu Phi và dịch hại cho động vật nhai lại (PPR).

Ông Gerrit Viljoen, Trưởng bộ phận Sản xuất và Sức khỏe động vật thuộc Chương trình hợp tác FAO/IAEA về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và lương thực cho biết: “Khoảng 70% các bệnh ở người là bắt nguồn từ động vật”. ZODIAC hướng tới mục tiêu giúp các nhà chức trách trong lĩnh vực thú y và y tế cộng đồng xác định được các loại bệnh trước khi chúng lây lan. Ông Viljoen cho biết  “Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng các trường hợp dịch bệnh lây từ động vật sang người trong những thập kỷ qua: đầu tiên là Ebola, sau đó là Zika và bây giờ là COVID-19. Điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ thế giới động vật, cả động vật hoang dã và động vật nuôi, và hành động nhanh chóng trước khi mầm bệnh kịp lan truyền sang người”, Ông Viljoen cho biết thêm: “Chúng tôi có đầy đủ khả năng cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn cho các phòng thí nghiệm quốc gia. ZODIAC sẽ cung cấp kiến thức kỹ thuật cho các phòng thí nghiệm về hiệu suất thử nghiệm và hỗ trợ các cơ quan chức năng liên quan giải thích kết quả và đề ra các biện pháp ngăn chặn”.

ZODIAC cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động R&D cho các công nghệ và phương pháp luận mới để phát hiện và giám sát sớm dịch bệnh. Trong khuôn khổ Dự án, IAEA sẽ nâng cao năng lực để tổ chức các đợt tập huấn, chuyến công tác cho các nhà khoa học, nghiên cứu sinh từ các quốc gia thành viên tại các phòng thí nghiệm Seibersdorf, thực hiện các nghiên cứu về xét nghiệm miễn dịch, phân tử, hạt nhân và đồng vị cũng như ứng dụng chiếu xạ để phát triển vắc xin chống lại các bệnh như cúm gia cầm.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử (Tổng hợp từ nguồn: iaea.org; nucnet.org)

Lượt xem: 556

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)