Thứ tư, 16/12/2020 17:37 GMT+7

Cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính

Ngày 15/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Trường đại học Kinh tế Quốc dân và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN tổ chức Tọa đàm góp ý đề nghị xây dựng Nghị định "Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ tài chính

Trong 5 năm trở lại đây, sự phát triển của công nghệ tài chính luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của các tổ chức tài chính quốc tế, các Chính phủ, các định chế tài chính, các công ty công nghệ và đặc biệt của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công nghệ tài chính với tính chất liên ngành vốn có của nó và được phát triển dựa trên tiến bộ của các nền tảng công nghệ đã và đang hình thành như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sổ cái phân tán, điện toán đám mây và Điện toán lượng tử, 5G và Internet vạn vật… đã tạo ra xu hướng phát triển của tài chính đổi mới sáng tạo. Từ đó, các dịch vụ tài chính mới dựa trên các mô hình kinh doanh mới được ra đời để phục vụ sự phát triển của khu vực tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Là quốc gia có hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng, Việt Nam luôn ưu tiên phát triển ngân hàng theo hướng bền vững, hiện đại, an toàn và hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Công nghệ tài chính đã và đang tác động sâu rộng đến sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam. Trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ ban hành năm 2018 đã chỉ rõ: “Khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và tổ chức công nghệ tài chính (Fintech), các tổ chức phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để phát triển mạng lưới đại lý cho ngân hàng với chi phí thấp; tạo môi trường pháp lý thích hợp cho việc phát triển các tổ chức công nghệ tài chính an toàn, hiệu quả; ban hành chuẩn kết nối giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức công nghệ tài chính”.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 30/6/2020 trong đó yêu cầu xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững; chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn với những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngân hàng.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng trong bối cảnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của tài chính số nói chung và dịch vụ tài chính số của ngành ngân hàng nói riêng đòi hỏi Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng phải xử lý được 3 rào cản và thách thức gồm: thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Tính chất đặc biệt quan trọng của ngành ngân hàng trong việc cung cấp dịch vụ tài chính và vốn cho phát triển kinh tế đòi hỏi khía cạnh thể chế cho sự phát triển của công nghệ tài chính trong ngành ngân hàng phải được ưu tiên xử lý.

4 mô hình Cơ chế thử nghiệm sandbox

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, sự phát triển của công nghệ tài chính nhận được sự quan tâm hàng đầu của các tổ chức tài chính quốc tế, các chính phủ, định chế tài chính, các công ty công nghệ và đặc biệt của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công nghệ tài chính tạo ra tác động mang tính đột phá, là động lực chính tạo ra các mô hình kinh doanh mới liên quan đến dịch vụ tài chính. Nhưng đồng thời, công nghệ tài chính cũng đem lại các rủi ro và thách thức mới về nguồn nhân lực, hệ thống đảm bảo an ninh mạng, hệ thống pháp lý.
 

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại buổi tọa đàm

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành Dự thảo Nghị định “Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng” và Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách liên quan đến Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng để trình Chính phủ xem xét, đánh giá và phê duyệt.

Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc rà soát, lấy ý kiến của các bên liên quan, đánh giá các văn bản này từ góc độ pháp lý để đệ trình Chính phủ thực hiện các bước tiếp theo của quá trình ban hành.

Chia sẻ về cách tiếp cận xây dựng Cơ chế thử nghiệm sandbox công nghệ tài chính, TS. Lương Thái Bảo, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết có nhiều rủi ro liên quan đến công nghệ tài chính như rủi ro về pháp lý, sự thiếu phối hợp, vấn đề bảo vệ và năng lực người tiêu dùng, giám sát quản lý rủi ro, rủi ro không gian mạng, dữ liệu, cạnh tranh... Cơ chế thử nghiệm sandbox cho phép các “chủ thể” kiểm thử sản phẩm, dịch vụ hay giải pháp của họ trên thị trường dưới một môi trường quy định nới lỏng hơn nhưng trong một không gian và khoảng thời gian được định nghĩa rõ ràng và được thống nhất với cơ quan quản lý.

TS. Lương Thái Bảo cho rằng Cơ chế thử nghiệm sandbox là mô hình hợp lý nhưng cấp độ như thế nào thì cần xem xét đánh giá tính hợp lý. TS. Lương Thái Bảo đề cập đến 4 loại sandbox để điều chỉnh. Các loại Cơ chế thử nghiệm sandbox này không mang tính chất loại trừ nhau và có ưu tiên khác nhau. Đó có thể là Cơ chế thử nghiệm sandbox tập trung vào chính sách – loại bỏ rào cản đối với đổi mới sáng tạo; sanbox tập trung vào đổi mới sáng tạo – khuyến khích đổi mới sáng tạo và giảm chi phí gia nhập thị trường; sanbox theo chủ đề - giúp tăng tốc việc đưa vào ứng dụng chính sách, đổi mới hoặc hỗ trợ phát triển một ngành, một sản phẩm, một phân khúc cư dân cụ thể; sanbox xuyên biên giới - tập trung vào việc khuyến khích và hỗ trợ dịch chuyển xuyên biên giới và vận hành của công ty với sự hợp tác quản lý giữa các quốc gia.

Cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính

Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung chính gồm: đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Cơ chế thử nghiệm sandbox, tiêu chí đánh giá, phê duyệt và cấp giấy phép đối với các đối tượng tham gia sandbox. Cùng với đó là khuôn khổ cho Cơ chế thử nghiệm cần đáp ứng các yêu cầu xử lý các rủi ro, yêu cầu ổn định để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính. Kinh nghiệm của việc ban hành chính sách Cơ chế thử nghiệm ngành Ngân hàng liệu có thể áp dụng cho ngành khác. Đồng thời, cung cấp thông tin về sự đổi mới quy trình trong việc ban hành chính sách Việt Nam đang hướng tới.

ThS. Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech nhìn nhận chúng ta rất nhạy bén trong việc vận dụng các mô hình kinh doanh mới để bán hàng ví dụ như mô hình bán hàng đa cấp, mô hình livestream. Tuy nhiên, do khuôn khổ quản lý ban hành chậm dẫn đến thực tiễn áp dụng có nhiều hình thức biến tướng gây ra một số vấn đề xã hội. Điều này khiến các doanh nghiệp bài bản khó phát triển. Chưa kể, khi thiếu khung chính sách, doanh nghiệp startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính rất khó thu hút đầu tư bởi nhà đầu tư e ngại rủi ro. Sự chậm trễ của khung chính sách còn khiến cho Nhà nước thất thu ngân sách. Khi hợp tác chính thức chưa thể phát triển do hạn chế khung chính sách thì việc thanh toán lậu, thanh toán bằng đồng tiền nước ngoài tại Việt Nam thông qua các app trở nên phổ biến và không thể kiểm soát.

Góp ý cụ thể hơn về các quy định, đại diện Công ty One Mount Group cho rằng quy định thời gian thử nghiệm trong vòng 1 – 2 năm, doanh nghiệp khó xây dựng kế hoạch. Nên quy định thời hạn là 5 năm, có cơ chế kết thúc thử nghiệm sớm để chính thức cung ứng dịch vụ. Việc giới hạn số lượng tối đa tổ chức được xét duyệt tham gia cơ chế thử nghiệm cũng dẫn đến nhiều băn khoăn chẳng hạn có hay không việc phê duyệt chủ trương, tình trạng chạy đua cấp phép...

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định ở góc độ của Bộ Tư pháp sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp để xem xét trong quá trình thẩm định Dự thảo Nghị định và tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 931

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)