Chủ nhật, 30/08/2020 08:38 GMT+7

Tiên phong đưa đổi mới sáng tạo trở thành tư duy mới trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội

Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, toàn Đảng bộ Bộ KH&CN đã đi tiên phong trong nỗ lực đưa đổi mới sáng tạo trở thành một tư duy mới và ngày càng trở nên phổ quát trong quản lý, vận hành nền kinh tế, xã hội và doanh nghiệp ở Việt Nam.

Và trong nhiệm kỳ tới, việc tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển KH,CN&ĐMST của đất nước vẫn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Đó là những định hướng chính đã được đưa ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ khóa XXIII nhiệm kỳ 2020 -2025 Bộ KH&CN ngày 28/8.
 

 

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội.
 

 

Tới dự Đại hội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Sơn Minh Thắng; Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Trương Xuân Cừ; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Đảng ủy Bộ KHCN qua các thời kỳ và 213 đại biểu đại diện cho hơn 1900 đảng viên đến từ 47 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ KHCN.

Nhìn lại những gì đã đạt được trong chặng đường 5 năm vừa qua, trong báo cáo chính trị tại Đại hội, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết: KH&CN đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt, chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 44,46% giai đoạn 2016-2019, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50%. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng: Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên dẫn đầu nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.
 

 

Thứ trưởng Lê Xuân Định trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội.
 

Tiềm lực KH&CN không ngừng được nâng cao. Đến nay, cả nước có gần 67.000 cán bộ nghiên cứu và phát triển quy đổi tương đương toàn thời gian – TFP (đạt 7 người/vạn dân). Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư và hình thành 02 Trung tâm khoa học quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ. Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp cho KH&CN ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực (52/48) so với tỷ lệ 70/30 của hơn 5 năm trước.

Nghiên cứu cơ bản góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh trong giai đoạn vừa qua, trung bình trên 20%/năm. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lý, hóa học giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Có được những kết quả đó là nhờ vào những đổi mới tư duy chính sách trong nhiệm kỳ vừa qua, như bộ trưởng Chu Ngọc Anh, thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ KH&CN đã đánh giá: “chúng ta đã đi tiên phong trong nỗ lực đưa đổi mới sáng tạo (Innovation) trở thành một tư duy mới và ngày càng trở nên phổ quát trong quản lý, vận hành nền kinh tế, xã hội và doanh nghiệp ở Việt Nam. Chính phủ coi đổi mới sáng tạo như một lĩnh vực mới trong quản lý nhà nước, một trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội và lần đầu tiên, chỉ số về đổi mới sáng tạo trở thành tiêu chí đo lường hiệu quả của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm”.
 

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Đại hội.
 

Trên cơ sở đó, nhiều sáng kiến pháp luật và chính sách mới như Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Đề án Tri thức Việt số hóa được khởi xướng đã mở ra các đường hướng và không gian mới cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và truyền bá tri thức, công nghệ trong đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ các mục tiêu phát triển quốc gia.

Song song với đó, ngành KH&CN vẫn tiếp tục chú trọng đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu sáng tạo. Đã từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, thực hiện cơ chế khoán chi và kiểm soát chi thông thoáng; gắn nhiệm vụ nghiên cứu với thực tiễn và thị trường; kiên trì thực hiện trao quyền tự chủ trong khoa học gắn với trách nhiệm giải trình; khuyến khích doanh nghiệp thành lập viện nghiên cứu và đầu tư cho khoa học - công nghệ; thí điểm mô hình thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học tài năng trong nước và trí thức kiều bào.

Nhờ những nền tảng quan trọng đó, ngành KH&CN vừa đưa ra những chính sách đổi mới xuyên suốt, vừa luôn ứng phó kịp thời với những biến động khó lường, như đại dịch Covid-19 đang đặt ra rất nhiều thách thức nhưng “chúng ta đã kịp thời đặt hàng nghiên cứu, phát triển kit xét nghiệm nhanh, hỗ trợ truy vết người tiếp xúc, thiết kế, sản xuất robot, máy thở, phác đồ điều trị và kháng thể đơn dòng để sản xuất thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19. Các nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất vắc – xin phòng Covid-19 cũng đang được triển khai đúng hướng, bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam kiểm soát và khống chế dịch bệnh, là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của sự đầu tư kiên trì và chiến lược cho tiềm lực KH&CN nước nhà trong nhiều năm qua”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.

Trên nền tảng đã đạt được đó, Báo cáo chính trị của Đại hội đặt ra định hướng lới cho giai đoạn 5 năm tới đây vẫn tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên đầu tiên là đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển KH,CN&ĐMST của đất nước. Xây dựng và phát triển các thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, tiến tới làm chủ một số công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Phát triển mạnh mẽ và toàn diện hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Những định hướng này được đặt ra trong một bối cảnh sẽ có nhiều biến động do toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như biến đổi khí hậu… sẽ đem lại nhiều thách thức mới cho công tác quản lý, thậm chí làm thay đổi phương thức quản lý.
 

 

Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Trương Xuân Cừ phát biểu tại Đại hội.
 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương đánh giá “kết quả thành công vừa qua có được là do sự phối hợp hết sức chặt chẽ, có trách nhiệm giữa Đảng ủy và Ban cán sự Đảng trong việc lãnh đạo các tổ chức đảng và đảng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao”. Đồng chí Trương Xuân Cừ đề nghị Đảng bộ Bộ KH&CN tiếp tục phát huy kinh nghiệm đó, để tới đây có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. HCM và một số địa phương khác để phối hợp nghiên cứu; thí điểm các mô hình, dự án nghiên cứu mới. Đồng chí cũng lưu ý, Đảng bộ Bộ KH&CN chú ý phối hợp với các đơn vị tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chương trình khoa học cho các vùng, miền, trong đó phải tính đến đặc thù của các vùng, miền, nhất là các vùng miền còn gặp nhiều khó khăn để tiến tới phát triển bền vững.

Về công tác xây đảng, đồng chí Trương Xuân Cừ đánh giá toàn Đảng bộ Bộ KH&CN đã phát huy tinh thần “tiên phong, gương mẫu” bởi Đảng bộ Bộ KH&CN là một trong những đảng bộ có số lượng đảng viên rất đông, số lượng tổ chức hành chính lớn nhưng số đảng viên vi phạm lại ít nhất. “Điều đó cho thấy Đảng bộ ta luôn làm đúng quy trình, đúng quy định, minh bạch cũng như tinh thần dân chủ, đoàn kết rất cao. Chúng tôi đánh giá cao việc kiểm tra giám sát thường xuyên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn ở các tổ chức đảng của Đảng bộ Bộ KH&CN”, ông Trương Xuân Cừ nói.

Trên tinh thần nhất trí cao, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 25 đồng chí. Đồng chí Lê Xuân Định được giới thiệu giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ KH&CN nhiệm kỳ mới; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương gồm 6 đồng chí.

Liên kết nguồn tin: Tiên phong đưa đổi mới sáng tạo trở thành tư duy mới trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội (khoahocphattrien.vn)

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 531

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)