Thứ năm, 10/12/2020 11:58 GMT+7

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt tại huyện sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 8/12, tại trụ sở Bộ KH&CN, Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô trong chăn nuôi bò thịt tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc”.

Đây là Dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2025, được thực hiện từ tháng 9/2017 đến tháng 08/2020. Dự án được triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng bò thịt của địa phương bằng cách cho lai tạo giữa bò cái lai Zebu của địa phương với giống bò đực có năng suất cao (Brahman thuần chủng màu đỏ), đồng thời xây dựng mô hình trồng, chế biến thức ăn thô xanh cho bò trên địa bàn huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
 

 Toàn cảnh buổi Đánh giá, Nghiệm thu dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô trong chăn nuôi bò thịt tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc”.
 

Báo cáo tại Hội đồng nghiệm thu, ông Nguyễn Văn Cháng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Thạch Vĩnh Phúc – Cơ quan chủ trì dự án cho biết, sau 3 năm triển khai, dự đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, cơ quan chủ trì, cơ quan chuyển giao và Ban quản lý dự án đã hoàn thành 100% các nội dung, quy mô, số lượng sản phẩm, chất lượng và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của dự án theo thuyết minh đã được phê duyệt và hợp đồng đã ký.

Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Thạch Vĩnh Phúc đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì thuộc Viện Chăn nuôi chuyển giao 10 quy trình công nghệ áp dụng trong chăn nuôi bò thịt, các hộ chăn nuôi áp dụng thành thạo và có hiệu quả. Dự án cũng đào tạo được 10 kỹ thuật viên và tập huấn cho 200 lượt hộ chăn nuôi về các quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò thịt.

Ngoài ra, Dự án đã xây dựng thành công 04 mô hình ứng dụng công nghệ về chăn nuôi bò. Nhìn chung các mô hình đều đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
 

GS,TS. Trần Huê Viên, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên - Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi nghiệm thu
 

Nhận định về kết quả của Dự án, PGS,TS. Trần Huê Viên, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên - Chủ tịch Hội đồng cho biết, Dự án đã được triển khai nghiêm túc, khoa học, đúng tiến độ đề ra, đã làm chủ được công nghệ chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao. Qua đó, có thể khẳng định, Dự án có thể duy trì và nhân rộng mô hình tại vùng lân cận và các vùng khác trong tỉnh.

Tại buổi nghiệm thu, các đại biểu cũng cho rằng, kết quả thành công của Dự án đã khẳng định việc đưa tinh bò đực Brahman đỏ chất lượng cao bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với đàn bò cái tham gia mô hình đã cải thiện tầm vóc, năng suất đàn bê sinh ra để có khối lượng cơ thể lớn hơn, sinh trưởng nhanh hơn năng suất sinh sản và chất lượng đàn bò cao hơn từ 15-20% so với bò địa phương hiện có là khả thi.

Bên cạnh đó, việc trồng và thâm canh giống cỏ VA06, Mulato II, ngô lai, keo dậu năng suất cao, chất lượng phù hợp với vùng dự án, tạo nguồn thức ăn chủ động, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thức ăn xanh thô và tận dụng nguồn đất hiện có giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ trong chế biến ủ chua thức ăn từ phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô,… bằng ủ chua, phối hợp công thức thức ăn tinh bằng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, tăng tỷ lệ tiêu hóa, hấp thu, tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả chăn nuôi…

Với những kết quả có được, Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá “Đạt”.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1250

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)