Thứ ba, 01/12/2020 15:13 GMT+7

Không nóng vội để có nhân lực chất lượng cao về AI

Theo các chuyên gia, dù nhu cầu tìm kiếm nhân tài làm AI của doanh nghiệp hiện rất cao nhưng đào tạo nóng, rất có thể tạo ra... "sản phẩm lỗi".

Lương khởi điểm đối với người làm trí tuệ nhân tạo (AI) là 1.300 USD một tháng, được cho là cạnh tranh nhưng ở Việt Nam nhân lực cho lĩnh vực này đang thiếu cả số lượng và chất lượng trong khi các doanh nghiệp nhu cầu cao. Thông tin được chuyên gia nêu trong phiên tọa đàm "Đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo" sáng 28/11 tổ chức, trong khuôn khổ diễn đàn AI4VN 2020, các chuyên gia đã phân tích về thực trạng nhân lực ngành AI.

Các diễn giả đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng TPHCM, FPT... đều nêu chung một thực trạng về sự thiếu hụt nhân lực cho ngành này. Thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 237 trường Đại học và Học viện nhưng trong số này số trường có khoa, chuyên ngành về máy tính, chuyên sâu về AI chỉ chưa đến 40. Chưa kể chỉ tiêu đầu vào của các ngành: khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và robot, IoT và AI ứng dụng, Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu... có chuyên ngành chỉ vài chục sinh viên.
 

PGS Huỳnh Thị Thanh Bình nói về nhu cầu nhân lực AI. Ảnh: BTC.
 

PGS Huỳnh Thị Thanh Bình, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng thực tế nhu cầu nhân lực AI đang rất cao và nóng. Một số trường đã đưa chuyên ngành này vào đào tạo nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo như cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, chương trình đào tạo...và cần sự phối hợp của nhiều bên như cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, chính sách của nhà nước. Đại học Bách khoa Hà Nội đã phối hợp với các tập đoàn lớn để xây dựng chương trình đào tạo, mời các giáo sư nước ngoài về giảng dạy.

Đồng tình quan điểm này GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đào tạo nóng, không tính đến việc đảm bảo nền tảng (giáo viên, trang thiết bị...) sẽ bất cập khi các sản phẩm đào tạo ra không đạt yêu cầu.
 

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy trình bày tham luận. Ảnh: BTC.
 

Theo ông Ngô Đức Thành, Trưởng khoa Khoa học Máy tính, Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM, hiện trường ông đang duy trì mô hình khá hiệu quả. Đó là doanh nghiệp đặt phòng thí nghiệm ngay tại trường.

Hiện Đại học Công nghệ Thông tin TPHCM có 2 phòng do doanh nghiệp đầu tư. Tại các phòng thí nghiệm này, sinh viên và giảng viên có thể tham gia trực tiếp các dự án của doanh nghiệp mà không mất nhiều thời gian di chuyển. Các sinh viên có cơ hội trải nghiệm tác phong làm việc như đang ở môi trường của doanh nghiệp, sẽ

Những mô hình đào tạo theo cách này cũng là gợi ý được GS.TS Nguyễn Thanh Thủy nêu. Ông cho rằng, việc các trường kết hợp với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội rèn thực tế để nâng cao kỹ năng là một mô hình hiệu quả. Mô hình có thể phát triển mạnh hơn có thể lấp đầy khoảng trống nhân lực.

Ông cũng đề xuất thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Nhà nước đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu tại một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu.
 

Ông Vũ Hồng Chiên giới thiệu mô hình nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực AI. Ảnh: BTC.
 

Ông Vũ Hồng Chiên, Trung tâm AI Quy Nhơn, FPT cho biết, định hướng của FPT là trở thành Top 50 Tập đoàn cung cấp dịch vụ Chuyển đổi số hàng đầu thế giới. Để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI tại Việt Nam cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Đại học FPT đã mở chuyên ngành AI từ năm 2018, đào tạo được hơn 600 học viên. Đồng thời FPT thành lập Đại học phân hiệu AI tại Quy Nhơnvới quy mô 5.200 sinh viên. Mới đây, FPT là tập đoàn công nghệ đầu tiên tại Đông Nam Á trở thành đối tác chiến lược của Viện Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới – Mila; thành lập Trung tâm AI Quy Nhơn để nghiên cứu và ứng dụng các bài toán AI thực.

Bài toán lâu dài, PGS.TS Nguyễn Thanh Hiên, Học viện Ngân hàng TPHCM kiến nghị Nhà nước sớm ban hành chính thức Chiến lược quốc gia về AI. Các Đại học có uy tín nên mở khoa/trường chuyên về AI nhằm khai thác tri thức liên ngành trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng AI Cần có chương trình cấp quốc gia về đào tạo ứng dụng AI trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế - xã hội, y - sinh học và nghệ thuật. Việc đào tạo trực tuyến về AI cũng cần được thúc đẩy.

Chương trình AI4VN 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM, Báo điện tử VnExpress tổ chức, cùng sự đồng hành của các đơn vị tài trợ Australian Aid and Aus4Inovation Programme (Nhà tài trợ Kim cương), VietinBank (Nhà tài trợ Vàng), VinBigdata (Nhà tài trợ Vàng), FPT (Nhà tài trợ Bạc), VIB (Nhà tài trợ Bạc), Phenikaa (Nhà tài trợ Bạc).

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/khong-nong-voi-de-co-nhan-luc-chat-luong-cao-ve-ai-4198420.html

 

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 1202

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)