Thứ sáu, 20/11/2020 11:10 GMT+7

Phát triển thị trường KH&CN: Khoảng trống giữa viện trường và doanh nghiệp

Việc xây dựng các tổ chức trung gian làm nhiệm vụ kết nối giữa bên cung (viện, trường) với bên cầu (doanh nghiệp) là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN (Chương trình 2075) giai đoạn 2015-2020 diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
 

Gải pháp công nghệ và thiết bị được giới thiệu tại Techmart 2020.
 

Những kết quả bước đầu

“Trước đây, chúng tôi chỉ chuyển giao được một số kết quả từ nghiên cứu, mà cũng không có cơ chế minh bạch, nên các nhà khoa học cũng không thu được nhiều kinh phí để tái đầu tư cho khoa học. Đấy là điểm vướng mắc, cho nên đề tài cứ làm, sau đó mạnh ai người đấy chuyển giao, giá trị không đáng là bao…”, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu thực trạng thương mại hóa kết quả nghiên cứu của Học viện trong giai đoạn trước năm 2015 - khi Học viện chưa chuyển sang tự chủ hoàn toàn và Chương trình 2075 chưa triển khai trong thực tế. Những đơn vị lớn với nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng như Học viện Nông nghiệp còn phải loay hoay thì những nơi khác với quy mô nghiên cứu và tính chất nghiên cứu chưa gần với ứng dụng sẽ giải quyết vấn đề như thế nào? Trên thực tế, đó là câu hỏi mà nhiều trường, viện trong và ngoài phạm vi Hà Nội vẫn đang băn khoăn.

Trong khi đó có một thực tế tồn tại là nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực ngành nghề có nhu cầu đổi mới công nghệ hay tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để cải tiến sản phẩm hoặc làm ra một sản phẩm mới có nhiều phẩm chất đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của thị trường lại không biết tìm công nghệ ở đâu. Giải pháp mà phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nhiệp nhỉnh hơn về tiềm lực, là phải nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Tình trạng này đã kéo dài lâu nay, theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện năm 2018, “chỉ có gần 14% doanh nghiệp tìm đến viện trường khi cần đổi mới công nghệ, còn 86% chạy đến chỗ khác”, TS. Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình 2075 nhận xét.

Các nhà quản lý khoa học biết được rõ thực trạng này. Câu chuyện cung - cầu công nghệ chưa gặp nhau như trên không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, viện, trường mà còn ảnh hưởng năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia về lâu dài. Do vậy, Chương trình 2075 ra đời theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg năm 2013 với mục đích phần nào tháo gỡ khó khăn cho các viện, trường và doanh nghiệp trong quá trình mua - bán công nghệ. Kể từ khi bắt đầu triển khai năm 2015, Chương trình 2075 đã phê duyệt được 63 nhiệm vụ trong số 500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí 340 tỷ đồng, trong đó 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (55%), còn lại là đối ứng từ các doanh nghiệp tham gia. Các nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm chính: nhóm nhiệm vụ định kỳ hằng năm về phát triển thị trường công nghệ (các sự kiện kết nối, trình diễn công nghệ như Techdemo, Techmart,...); nhóm dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; nhóm dự án phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức trung gian; nhóm dự án nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển thị trường KH&CN; nhóm dự án xúc tiến phát triển thị trường KH&CN.

Với mong muốn tìm được giải pháp bám sát với nhu cầu thực tế của viện, trường và doanh nghiệp, ngay từ khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã chia nhau đi khảo sát 13 viện nghiên cứu quốc gia và 6 trường đại học lớn và thấy rằng, hầu hết các viện, trường đều không có cơ chế quản trị tài sản trí tuệ sau nghiên cứu, tức là nghiên cứu xong nhà khoa học xếp đấy, đi xin kinh phí để làm hạng mục khác”, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp cho biết.

Song song với đó là quá trình rà soát các chính sách về thị trường KH&CN của Việt Nam. “Quy định về thị trường KH&CN của Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu triển khai chương trình còn rất yếu, trong Luật KH&CN 2013 lúc đó chỉ quy định hai điều có liên quan về thị trường KH&CN, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Các chế tài đảm bảo tính khả thi để triển khai chương trình còn rất yếu, một số quy định phải vận dụng các luật chuyên ngành”, ông nhận xét thêm.

Việc tìm ra các rào cản ngay từ ban đầu đã giúp Chương trình 2075 đi đúng hướng. Thông qua các hội thảo, chương trình tập huấn đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ, môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ, kỹ năng đàm phán,... để nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ cho các viện, trường cho tới hoàn thiện các quy định, chính sách, “xây dựng hẳn một chương về thị trường KH&CN trong Luật Chuyển giao công nghệ, trong đó đặc biệt quy định các chế tài về việc góp vốn bằng công nghệ, định giá công nghệ, phân chia lợi ích và các quy định pháp lý khác để tạo thuận lợi cho quá trình đi từ kết quả nghiên cứu tới sản xuất, đưa ra ngoài thị trường”...

Hiệu quả từ các dự án hỗ trợ thương mại hóa công nghệ trong khuôn khổ Chương trình đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, mặc dù họ phải bỏ ra nguồn vốn đối ứng không nhỏ. Ví dụ dự án ‘Hỗ trợ thương mại hóa công nghệ sản xuất vật liệu gỗ nhựa thân thiện với môi trường’ do Công ty Nhựa gỗ châu Âu chủ trì là một điển hình, kinh phí hỗ trợ của nhà nước khoảng 3 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp đối ứng khoảng 100 tỷ. Tuy nhiên, sau hai năm đầu tư, doanh thu của họ đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Phát triển các tổ chức trung gian

Mặc dù Chương trình 2075 nhận được nhiều phản hồi tích cực của các đơn vị tham gia song Ban điều hành Chương trình nhận thấy mình mới làm được một phần rất nhỏ trong số những vấn đề cần giải quyết. Một trong những vấn đề đó là trên con đường chuyển giao công nghệ, vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa viện, trường và doanh nghiệp. Họ vẫn chưa thực sự xích lại gần nhau và tin tưởng sản phẩm của bên này là giải pháp cho mình. Ban điều hành đã nhận ra điều này khi đánh giá lại kết quả chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ Chương trình: “Khi phân tích số liệu chi tiết, chúng tôi thấy một vấn đề rất lớn, đó là mức độ đóng góp của các viện, trường trong việc cung ứng các sản phẩm công nghệ cho thị trường Việt Nam vẫn còn ở mức tương đối thấp. Do đó, công nghệ sẵn sàng cung cấp cho thị trường Việt Nam chủ yếu vẫn là những công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Phạm Đức Nghiệm nhận xét.

Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này? “Chúng tôi đã khảo sát, phỏng vấn sâu các viện, trường và tìm ra nguyên nhân là do tính sẵn sàng chuyển giao công nghệ của chúng ta còn thấp. Sâu xa hơn, các công nghệ của chúng ta chủ yếu vẫn dừng lại ở khâu sản xuất thử nghiệm và chưa thực sự hoàn thiện để chuyển giao trên thị trường” ông Phạm Đức Nghiệm cho biết.

Do đó, ông cho rằng, đây là khâu mà “chắc chắn trong thiết kế của chương trình giai đoạn mới phải tính đến, trong đó sẽ cơ cấu và tập trung nhiều hơn cho việc sàng lọc những sản phẩm tiềm năng, sẵn sàng cho thúc đẩy chuyển giao vào sản xuất. Nếu chúng ta không làm khâu này, sẽ vẫn tái diễn một vòng lặp liên tiếp nghiên cứu xong cất tủ”.

Để giải quyết vấn đề này, Chương trình 2075 cũng như một số chính sách khác của nhà nước đã quy định về việc thành lập và phát triển các tổ chức trung gian cho thị trường KH&CN, bao gồm sàn giao dịch công nghệ; trung tâm giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Các tổ chức trung gian sẽ có vai trò cầu nối, hỗ trợ hoàn thiện và chuyển giao công nghệ giữa các bên. Đây cũng là điều cần thiết để phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam bởi so với các thị trường khác, việc kết nối giữa “người bán” và “người mua” ở thị trường KH&CN thường phức tạp hơn. “Ở những thị trường khác, người mua người bán nhìn sản phẩm là biết ngay, thị trường KH&CN có đặc điểm là nhu cầu của người bán và quan điểm của người mua khác nhau, cho nên phải tăng cường các tổ chức trung gian để kết nối hai bên”, TS. Tạ Doãn Trịnh, chuyên gia độc lập của Bộ KH&CN nhận xét.

Tuy nhiên, vai trò kết nối của các tổ chức trung gian ở Việt Nam hiện nay vẫn còn mờ nhạt. “Đây là ‘điểm nghẽn’ mà lãnh đạo Bộ đã yêu cầu xử lý rất nhiều lần. Nguyên nhân của hiện tượng này là các tổ chức trung gian còn thiếu về quy mô, yếu về năng lực cũng như tính chuyên nghiệp chưa cao”, ông Phạm Đức Nghiệm nhận xét. “Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần những biện pháp mạnh cũng như triển khai đồng bộ, sàng lọc đánh giá năng lực các tổ chức trung gian để triển khai các hoạt động hỗ trợ, làm sao để họ đảm bảo việc kết nối giữa bên cung cầu”.

Việc đầu tư cho các tổ chức trung gian chỉ mang lại hiệu quả khi xác định được họ đang thực sự cần gì. Ý kiến của ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc Sàn giao dịch công nghệ và Thiết bị Hải Phòng, một trong những tổ chức trung gian tham gia Chương trình 2075, đã phần nào phản ánh được những mong muốn của người trong cuộc: “Câu chuyện tổ chức trung gian không phải vấn đề cơ sở vật chất trang thiết bị, nó không đáng kể gì trong đầu tư, mà quan trọng hơn là đầu tư cho con người, đầu tư trình độ, kĩ năng môi giới,… giúp bên mua và bên bán gặp nhau. Tôi cho rằng đây là mấu chốt để nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian”, ông bày tỏ.

Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 2075) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 với ba mục tiêu chính: (1) Tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường hằng năm bình quân không dưới 15%, không dưới 20% đối với một số công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; (2) Tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ (giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật) trong tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường KH&CN không dưới 10% vào năm 2015 và không dưới 20% vào năm 2020; (3) Thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo: hệ thống tổ chức dịch vụ KH&CN hỗ trợ, trọng tâm là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/phat-trien-thi-truong-khcn-khoang-trong-giua-vien-truong-va-doanh-nghiep/20201119091541273p1c785.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 849

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)