Thứ ba, 25/08/2020 08:36 GMT+7

Đại học Thái Nguyên nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19

Trường Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên đã nghiên cứu thành công và cho ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Đây cũng là bộ sinh phẩm thứ 4 trong cả nước.

Bộ sinh phẩm thứ 4 trong cả nước

Ngày 23/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết, sau hơn 3 tháng nghiên cứu, từ tháng 5/2020 đến tháng 8/2020, nhóm các nhà khoa học của trường đã nghiên cứu thành công, và cho ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR.

Được biết, đây cũng là bộ sinh phẩm thứ 4 trong cả nước, sau 3 bộ kit Realtime PCR đã được Bộ Y tế cấp phép cho 3 đơn vị từ trước đó.

Kết quả nghiên cứu này được đánh cao bởi ý nghĩa khoa học và ứng dụng thực tiễn. Nhất là trong bối cảnh, nhiều cơ sở xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong cả nước đều đang thiếu sinh phẩm để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
 




 

"Đây là kết quả sau hơn 3 tháng miệt mài làm việc, nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học do Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Chủ nhiệm đề tài khoa học, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học của trường đề ra. Dù trước khi tiến hành nghiên cứu, rất nhiều áp lực đã được đặt ra với nhóm thực hiện đề tài khoa học này, song cuối cùng, bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time PCR đã được công bố", PGS.TS Thái chia sẻ.
 


 

Bên trong phòng nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.
 

Vị phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho rằng, có 2 điều khó khăn khi nhóm các nhà khoa học thực hiện công trình nghiên cứu đó là, phải chạy đua với thời gian và độ rủi ro trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. Nhưng bằng sự quyết tâm cao độ, nhóm đã thực hiện thành công, công trình nghiên cứu khoa học với thời gian sớm hơn mong đợi.

Thời gian thực hiện xét nghiệm nhanh hơn

Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Chủ nhiệm đề tài khoa học, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi tiếp cận ở góc độ là làm sao sản phẩm của mình ra đời sau, nhưng mong muốn của chúng tôi là bộ sản phẩm làm ra phải đạt được độ nhạy tương đương với các bộ sinh phẩm đã được sử dụng, đồng thời để giá thành có thể giảm đi đáng kể so với các bộ sinh phẩm trước đó, thời gian chẩn đoán thì không quá 1,5 giờ. Đó là mục tiêu nhưng cũng là thách thức làm sao đạt được mục tiêu đó”.

Mục tiêu của đề tài được cụ thể hóa bằng hàng loạt các nghiên cứu và thử nghiệm, tại phòng xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

 

Bên trong phòng xét nghiệm của Bệnh viện trung ương Thái Nguyên.
 

Theo Tiến sỹ Bùi Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Miễn dịch di truyền phân tử, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng của sinh phẩm chẩn đoán như độ nhạy, độ đặc hiệu, thì thời gian thực hiện xét nghiệm cũng là điều được đặc biệt quan tâm đến. Bởi nếu sinh phẩm rút ngắn được thời gian xét nghiệm, thì bệnh viện sẽ càng xét nghiệm được nhiều mẫu hơn, nhất là trong bối cảnh việc xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 đang cần thiết như hiện nay. Bộ sinh phẩm này còn giảm được 30 phút so với các sinh phẩm khác.

Trong ngày 17/8 vừa qua, đề tài khoa học này đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Thái Nguyên nghiệm thu bởi các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định Quốc gia Vắcxin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam...

Hiện đã có 20 bộ sinh phẩm, mỗi bộ gồm 50 test (tương ứng với tổng 1000 test) đã được sản xuất và giao cho Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Nguyên quản lý.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Sau khi công bố kết quả thì chúng tôi sẽ lựa chọn một đơn vị đủ điều kiện để sản xuất, và làm đầy đủ hồ sơ thủ tục xin cấp phép của Bộ Y tế. Sau khi Bộ Y tế cấp phép thì tiến hành sản xuất ngay”.
 

GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên - phát biểu tại lễ công bố kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học trong trường (Ảnh: Đặng Chung).
 

Là bộ sinh phẩm thứ tư được nghiên cứu thành công trên phạm vi cả nước, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Thái Nguyên sẽ tạo cơ sở cho việc sản xuất trên số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, tiến tới cung cấp cho các địa phương khác.

Dự kiến, khi sản xuất đại trà, giá thành của bộ sinh phẩm này sẽ giảm khoảng 15 - 30% so với hầu hết các bộ Kit Realtime PCR đang lưu hành hiện nay.

Liên kết nguồn tin: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dai-hoc-thai-nguyen-nghien-cuu-thanh-cong-bo-sinh-pham-xet-nghiem-covid-19-20200824111127450.htm

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Lượt xem: 930

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)