Thứ hai, 24/08/2020 15:11 GMT+7

Bốn yếu tố để doanh nghiệp ứng dụng AI hiệu quả

Đầu bài rõ ràng, nhân lực, sức ép thị trường và tiền đầu tư là bốn yếu tố quan trọng quyết định thành công của doanh nghiệp khi ứng dụng AI.

Những câu chuyện từ thực tế được các chuyên gia công nghệ cho thấy dù trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại những giá trị đột phá nhưng doanh nghiệp cần xác định rõ bài toán ngay từ đầu để có bước đi phù hợp.

Không có câu trả lời chung cho mọi doanh nghiệp khi ứng dụng AI là nhận định của ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Khối Sản phẩm ứng dụng, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup). Theo ông Lâm, lĩnh vực AI vẫn còn non trẻ nên việc ứng dụng vào các doanh nghiệp là khó. Do đó đầu tiên phải tính toán ứng dụng vào cái gì, sau đó mới đến ứng dụng như thế nào.
 

Ông Nguyễn Thành Lâm (trái) và ông Trần Thế Trung (phải). Ảnh: Anh Vũ.
 

Kể lại câu chuyện khi VinAI Research sản xuất điện thoại Vsmart với mong muốn tích hợp công nghệ Face ID (nhận diện khuôn mặt) trên sản phẩm. Thông thường sẽ phải đi mua công nghệ này từ một doanh nghiệp của Mỹ hoặc Trung Quốc với số tiền lớn. Mô hình này mô phỏng cách mạng lưới thần kinh trong não người hoạt động để tự động trích xuất các thông tin có giá trị trên một phần khuôn mặt ngay cả khi người đeo khẩu trang. Việc này giúp người dùng mở khóa bằng khuôn mặt một cách thuận tiện.

Thay vì mua công nghệ, VinAI Research đã nghĩ đến việc chủ động phát triển. Nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào phát triển công nghệ này từ tháng 9/2019 và kết quả đến tháng 12/2019 phát triển thành công công nghệ Face ID.

Theo ông Lâm, ví dụ thực tế cho thấy khi có đầu bài rõ ràng sẽ thuận tiện cho việc đi tìm lời giải. Đương nhiên để hiện thực hóa nó cần có người tài và phải có sức ép kinh doanh. Như với điện thoại, doanh nghiệp xác định được thời gian phải đưa sản phẩm ra thị trường. Chính yếu tố này tạo sức ép cho việc ứng dụng, phát triển công nghệ phải chạy đua tốc độ.

Yếu tố quan trọng sau cùng là tiền đầu tư. Ngay cả khi xây dựng được thuật toán mà không có máy đọc dữ liệu lớn tốc độ cao thì cũng không chạy được. Muốn máy tốt thì phải có tiền đầu tư. Khi đó sẽ tạo ra tốc độ

Quan điểm này cũng có nhiều điểm tương đồng với bà Joumana Ghosn, Giám đốc Nghiên cứu ứng dụng, Viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Mila (Canada).

Vị chuyên gia này cho rằng, để ứng dụng AI cần chiến lược tầm lãnh đạo cấp cao, sau đó doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực và xác định rủi ro có thể xảy ra. Lý do là vì hệ thống AI khi hoạt động đôi lúc có thể sai, vì vậy cần kiên nhẫn để dạy cho máy học. Trong doanh nghiệp hệ thống AI cần liên tục cải thiện. Với những lỗi sai, nên kiên nhẫn vì đây là quá trình tự học và hoàn thiện của công nghệ.

Doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ nhân lực tăng cường năng lực về trí tuệ nhân tạo thông qua thực hành. "Với AI không chỉ học trên mạng mà phải thực hành nhiều mới có thể nâng cao trình độ. Ngoài ra cần đầu tư những máy chủ lớn cũng rất quan trọng cho việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo", bà Joumana Ghosn nói.

Theo bà giải pháp trí tuệ nhân tạo cần được lựa chọn bài toán phù hợp để tạo lợi thế cạnh tranh "gãi đúng chỗ ngứa" của doanh nghiệp. Nên thuê công ty tư vấn để họ chuyển giao công nghệ nhanh chóng vì doanh nghiệp sẽ không có đủ nguồn lực để làm từ đầu.

Ông Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT, được biết đến với sản phẩm AI Virtual Agent for Call Center cho biết, các doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc ứng dụng các mô hình sẵn có để tránh việc đầu tư từ đầu. Ví dụ giải pháp trợ lí ảo tổng đài thực hiện các cuộc hội thoại tự động hai chiều với khách hàng. Giải pháp này giúp tự động hóa các tác vụ thực hiện cuộc gọi đi và tiếp nhận cuộc gọi đến, hoặc chuyển tiếp cuộc gọi (Smart IVR). Từ đó, tối ưu năng suất của tổng đài viên, tập trung xử lý những tác vụ đòi hỏi sự phức tạp cao (tư vấn, bán hàng), tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

"Hiện FPT cũng có các mô hình có thể áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo dạng cho thuê dịch vụ", ông Trung nói.

Thông tin được chia sẻ tại tọa đàm "Ứng dụng AI phục hồi hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19". Sự kiện nằm trong chuỗi AI4VN được tổ chức thường niên. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM, báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright thực hiện với sự đồng hành của chương trình Aus4Innovation, tập đoàn FPT.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/bon-yeu-to-de-doanh-nghiep-ung-dung-ai-hieu-qua-4150159.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 719

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)