Thứ năm, 12/11/2020 13:25 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận bản thảo Bộ Quốc sử

Bộ bản thảo gồm 25 tập thông sử, 5 tập Biên niên sử với sự tham gia của gần 300 nhà khoa học, thực hiện trong 5 năm.

Lễ tiếp nhận được tổ chức sáng 12/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, nhà khoa học tham dự sự kiện.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đình Nam.
 

Đề án "Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam" (còn gọi là Quốc sử) biên soạn gồm 25 tập thông sử (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt nam thời kỳ cổ-trung đại, 12 tập thời kỳ cận-hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó, 3 tập thời kỳ cổ-trung đại, 2 tập thời kỳ cận-hiện đại). Đề án bắt đầu thực hiện từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Đề án đã huy động gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TPHCM thực hiện.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) và Thứ trưởng Phạm Công Tạc (bìa trái) chụp ảnh cùng các thành viên nghiên cứu. Ảnh: Đình Nam.
 

Ông cho biết, lần đầu tiên một Đề án đặc biệt lớn về quy mô, phạm vi nghiên cứu, nhận được sự quan tâm của giới học giả trong, ngoài nước và cả người dân. Trong các chương trình về khoa học xã hội và nhân văn, đây là Đề án đầu tiên thực hiện việc xây dựng Thể lệ biên soạn để bảo đảm sự thống nhất của công trình. Thể lệ xác định rõ yêu cầu chung của công trình, mối quan hệ giữa các tập và quy định cụ thể về bố cục nội dung và các quy định trong cách trình bày của mỗi tập, bảo đảm ngay từ khi bắt đầu thực hiện, Ban Biên soạn của các đề tài cùng triển khai trên một quỹ đạo thống nhất.

Kinh phí thực hiện Đề án được cấp bởi Quỹ Nafosted. "Đây cũng là một trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ đầu tiên thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng", Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Tại lễ tiếp nhận, đại diện các nhóm nghiên cứu đã báo cáo về quá trình thực hiện cũng như nội dung của từng nhiệm vụ trong Đề án. Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết sau tiếp nhận bản thảo, sau đó sẽ tổ chức thẩm định chuyên gia, đánh giá nghiệm thu các đề tài thuộc đề án.

"Các đề tài tiếp tục điều chỉnh bản thảo theo ý kiến chuyên gia và kết luận của Hội đồng khoa học, đối chiếu giữa các tập Chính sử, Biên niên, để bảo đảm chất lượng biên soạn, tính thống nhất của bộ Quốc sử trước khi đưa vào biên tập xuất bản", Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết.
 

GS Nguyễn Văn Khánh (bìa phải) bàn giao bản thảo cho ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted. Ảnh: Đình Nam.
 

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chưa có đề tài nào sau bước nghiệm thu cấp cơ sở lại có lễ bàn giao. Trong hàng nghìn đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước nếu kể về số nhà khoa học tham gia, kinh phí lớn hơn, trang tài liệu sẽ có nhiều đề tài có số lượng nhiều hơn nhưng với đề tài này có nhiều điểm đặc biệt, thu hút sự quan tâm bởi ý nghĩa sự trân trọng quá khứ, các thời đại đã qua.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc nghiên cứu để ra sản phẩm là một bộ Quốc sử, Bách khoa thư... mới hoàn thành nhiệm vụ cấp cơ sở. Sẽ còn nhiều bước tiếp theo để đi đến bước cuối cùng để xuất bản. Nhưng kết quả được bàn giao ngày hôm nay là sự đóng góp không mệt mỏi của các nhà khoa học lịch sử, trong đó có cố GS Phan Huy Lê. "Các nhà khoa học, lịch sử tạo nên sản phẩm là kết tinh của "hồn thiêng sông núi" để tồn tại mãi với thời gian", Phó Thủ tướng nói.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-tiep-nhan-ban-thao-bo-quoc-su-4190496.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 1995

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)