Thứ năm, 05/11/2020 18:59 GMT+7

TPHCM: Trình diễn công nghệ hiện đại cho sinh viên

Hơn 40 đơn vị vừa trưng bày tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM những công nghệ, sản phẩm KH&CN tiên tiến trong và ngoài nước như công nghệ thực tế ảo trong xây dựng, máy bay không người lái, robot địa hình, nhà thông minh, ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp...

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Liên kết nhà trường - doanh nghiệp 2020 với chủ đề "Tăng cường liên kết Đại học - Công nghiệp phục vụ phát triển bền vững" do Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức trong 2 ngày 30và 31/10, hơn 40 đơn vị đã trưng bày, giới thiệu những công nghệ, sản phẩm KH&CN tiên tiến trong và ngoài nước .

Thu hút đông đảo sinh viên tìm hiểu là màn trình diễn về quy trình BIM (Mô hình thông tin công trình) với công nghệ quét laser 3D (Scan to BIM) áp dụng vào các công việc như: khảo sát địa hình; mô phỏng hiện trạng địa hình, khu đô thị, nhà máy, công trình hay hạng mục chi tiết công trình dưới dạng 3 chiều; quan trắc lún và biến dạng công trình;… cho kết quả chi tiết, chính xác, nhanh chóng, mà không cần phải đến tận nơi…
 

Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo trong mô hình bến cảng. Ảnh: KA
 

Trong công nghệ này, các thiết bị quét laser tiên tiến của Thụy Sĩ, Đức, Mỹ cho độ chính xác đến 1mm, tầm quét 1km. Dữ liệu thu về sẽ được các phần mềm chuyên dụng tạo thành các mô hình 3D chính xác của công trình xây dựng so với thiết kế ở điều kiện thế giới thực. Tại triển lãm, sinh viên được "tham quan" toàn bộ công trình bến cảng trong mô hình ảo, có thể nhìn ngắm từng chi tiết của công trình như hệ thống đường ống, hệ thống cần hút rót, tháp cứu hỏa… và có thể "chạm tay" vào từng cây cọc cầu cảng, quan sát từng lớp địa chất nền móng công trình.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc đơn vị tư vấn Portcoast, cho biết, sử dụng công nghệ này từ năm 2019, Portcoast đã số hóa được hơn 10 cảng biển lớn trên sông Cái Mép – Thị Vải, để quản lý hệ thống cảng biển một cách nhanh chóng, thuận tiện ở bất cứ đâu.

 

Máy bay phun thuốc trừ sâu. Ảnh: KA
 

Máy bay không người lái là một công nghệ khác được khá nhiều sinh viên tò mò khám phá, trong đó có máy bay phun thuốc trừ sâu của của Công ty Cổ phần thiết bị bay AGRIDRONE Việt Nam có khả năng phun thuốc hiệu suất cao nhờ tích hợp các công nghệ tiến tiến như công nghệ điều khiển bay chuyên dụng, hệ thống cảm biến radar đa chiều cho độ chính xác cao đến từng centimet, cùng hệ thống phun điều chỉnh lưu lượng tự động, camera quan sát góc rộng,... Hay Stormbee UAV S-20, thiết bị bay duy nhất có thể gắn với máy quét để thực hiện bay quét trên địa hình phức tạp hoặc vùng diện tích rộng lớn mà việc đặt quét trên mặt đất không khả thi hoặc kém hiệu quả.
 

Robot ngầm điều khiển từ xa. Ảnh: KA
 

Ngoài ra, robot không người lái vận hành trên mặt nước, robot ngầm điều khiển từ xa, robot ngầm tự hành do Trường ĐH Bách khoa TPHCM nghiên cứu, chế tạo, có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu và giám sát môi trường, vẽ bản đồ, tuần tra, trinh sát; an toàn đập, công trình thủy lợi;... cũng thu hút được sự quan tâm của sinh viên khi trình diễn.

“Triển lãm không chỉ là cơ hội cho chúng em tiếp cận với thiết bị, công nghệ mới mà còn giúp chúng em tìm kiếm việc làm từ các nhà tuyển dụng ngay tại Triển lãm” – sinh viên Hoàng Tuấn, Khoa Kỹ thuật xây dựng, chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Thảo, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa TPHCM, thông qua triển lãm, nhà trường và doanh nghiệp cùng nắm bắt nhu cầu của nhau để tiến tới việc hợp tác, nghiên cứu, đầu tư và chuyển giao công nghệ; đồng thời góp phần trang bị sớm kiến thức, công nghệ thực tế cho nguồn nhân lực trong tương lai.

PGS.TS Nguyễn Danh Thảo cho biết thêm, Đại học Bách khoa TPHCM là một trong những trường đại học kỹ thuật lớn nhất của cả nước, kinh phí hoạt động KH&CN, doanh thu từ dịch vụ, chuyển giao công nghệ của nhà trường ngày càng tăng qua những các năm. Tuy nhiên, kinh phí chi cho hoạt động KH&CN vẫn chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Nhận thấy tầm quan trọng của mối liên kết kết giữa trường đại học – doanh nghiệp, Trường đã cố gắng thúc đẩy liên kết này và đã có nhiều dấu hiệu tích cực, khả quan. Hiện nay, mạng lưới đối tác doanh nghiệp của trường gồm hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước với các loại hình hợp tác đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án nghiên cứu khoa học của nhà trường được doanh nghiệp đón nhận và ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, liên kết giữa Trường và doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là giáo viên, nghiên cứu viên còn thiếu kinh nghiệm thực tế; khối lượng giảng dạy nhiều trong khi quy mô nghiên cứu khoa học nhỏ. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc với doanh nghiệp (văn hóa, thái độ) cũng còn hạn chế,..
 

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/tphcm-trinh-dien-cong-nghe-hien-dai-cho-sinh-vien/20201031045558736p882c918.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 1053

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)